Không có Viện kiểm sát cấp huyện là gây khó cho hoạt động công tố

(PLO) - Dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) đưa ra phương án thành lập VKSND khu vực thay cho VKSND cấp huyện. Tuy nhiên đã số các đại biểu QH cho rằng hoạt động công tố phải gần dân, phải gắn liền với hoạt động điều tra.
Kiểm sát viên phải đảm bảo gần dân để đảm bảo quyền lợi cho người dân
Kiểm sát viên phải đảm bảo gần dân để đảm bảo quyền lợi cho người dân
Phản đối quan điểm thành lập VKS ND Khu vực, ĐB Trần Ngọc Vinh – (TP Hải Phòng) đưa ra ba lý do: Thực tế hiện nay có khoảng 2/3 khối lượng công việc của VKSND cấp huyện có liên quan đến cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án cấp huyện. Do đó, nếu VKS không được đặt tại cấp huyện, sẽ tác động tới công tác thực hành quyền công tố. 
Thứ hai, nếu thành lập VKSND khu vực sẽ gây khó khăn cho người dân do khoảng cách về địa lý do phải sát nhập nhiều đơn vị VKSND cấp huyện vào VKSND khu vực. 
Thứ ba, nếu thành lập VKSND theo khu vực thì việc xây dựng trụ sở, mua sắm trang, thiết bi, phương tiện làm việc cho VKSND khu vực sẽ rất tốn kém về kinh phí, đất đai và các nguồn lực khác. Trong khi đó điều kiện kinh tế của đất nước còn gặp khó khăn, do đó nên tổ chức VKSND cấp huyện như hiện nay là phù hợp.
Chung ý kiến về việc cần gắn hoạt động công tố với điều tra, ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) phân tích: Trong suốt giai đoạn điều tra vụ án hình sự, viện kiểm sát phải thực hiện tốt yêu cầu tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. VKSND phải thực hiện thẩm quyền ban hành các quyết định tố tụng như phê chuẩn việc tạm giữ, khởi tố bị can, gia hạn tạm giữ, tạm giam.
Bên cạnh đó yêu cầu đối với KSV phải nắm chắc và bám sát tiến độ kết quả hoạt động của điều tra, VKS còn phải thực hiện nhiệm vụ kiểm sát các hoạt động giam giữ cải tạo thi hành án, kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong điều kiện tổ chức bộ máy của cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án vẫn giữ nguyên như hiện nay thì việc thành lập viện kiểm sát khu vực chắc chắn sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của viện kiểm sát nhân dân.
ĐB tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng việc giữ nguyên mô hình VKS như hiện nay chính là để xây dựng một nền tư pháp gần dân, thuận lợi cho nhân dân.  “Nếu tổ chức VKS khu vực, quãng đường người dân đi đến công đường sẽ xa hơn, đi lại vất vả, chi phí và tốn kém, nhất là trong điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, gây ra nhiều bất cập cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Hơn nữa, trong thực tế hoạt động của  VKSND cấp huyện hiện nay không có gì vướng mắc, khó khăn. Do đó, nếu thành lập VKSND khu vực là chưa phù hợp.” bà khẳng định 
Chung quan điểm,  ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) phân tích: “Hiện nay cấp huyện là cấp chính quyền giải quyết gần 90% các loại vụ án, vụ việc.  Mặt khác, qua tiếp xúc cử tri thì cử tri cũng cho rằng nếu tổ chức VKSND khu vực sẽ gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận với cơ quan bảo vệ pháp luật.”
Không tỏ rõ quan điểm của mình, tuy nhiên, ĐB Giàng Thị Bình (Lào Cai) tỏ ý e ngại khi thành lập VKS khu vực. Bà đề nghị cần làm rõ mô hình VKSND khu vực cụ thể như thế nào. VKSND khu vực khác với VKSND huyện như thế nào. Việc thành lập VKSND khu vực sẽ có ưu điểm, nhược điểm gì và sẽ có những khó khăn bất cập gì về tổ chức bộ máy, về trụ sở làm việc và có tác động như thế nào đối với người dân khi áp dụng mô hình VKSND để nhân dân tiếp cận với các cơ quan bảo vệ pháp luật. 
“Theo tôi nếu không có sự tính toán kỹ sẽ dẫn đến lãng phí về trụ sở làm việc, phình to bộ máy tổ chức, trong khi yêu cầu của xã hội hiện nay cần tinh gọn bộ máy, đơn giản về thủ tục hành chính.” – bà nói. 
ĐB Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình cũng phản đối việc thành lập VKSND khu vực. Ông đồng tình cao với việc thành lập VKS cao cấp ở khu vực, để người dân không phải lên Hà Nội để nộp đơn xin giám đốc thẩm. “Tuy nhiên, việc thành lập VKS khu vực thì tôi cho là không phù hợp.” ĐB tỉnh Quảng Bình khẳng định. 
Ông phân tích: “Tôi lấy ví dụ vụ án tai nạn giao thông thì không thể chờ đợi mà công an, VKS phải có mặt xử lý ngay. Nếu người nhà chết mà đợi mãi để có VKS đến làm việc, trong khi đó phải tính đến giờ niệm, phong tục tập quán thì rất khó. VKS khác với tòa, tòa xử án là có thời gian, có thể ấn định và chủ động thời gian, còn công tố và điều tra thì không thể ấn định thời gian và có thể xảy ra 24/24, cho nên tôi thấy điểm này không phù hợp. Một số nước như Nhật, cách thành lập tổ chức cơ cấu của họ cũng đặt ở đơn vị cấp huyện như hiện nay.”
“Tôi cho rằng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ khó thể đảm bảo đủ thời gian để thực hiện chức năng giám sát được đối với VKS khu vực. Do vậy, việc quy định giám sát chỉ mang tính hình thức và sẽ không kịp thời. Hơn nữa thực tế hiện nay các cơ quan điều tra được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và hoạt động của cơ quan thi hành án vẫn giữ nguyên nhu mô hình ở cấp huyện. Nếu thành lập mô hình VKS khu vực sẽ khó khăn trong việc thực hiện quyền công tố gắn với điều tra, theo yêu cầu cải cách tư pháp phải giải quyết nhanh chóng và kịp thời.” – ĐB  Ly Kiều Vân (Quảng Trị) đưa ý kiến bảo vệ quan điểm của mình. 

Đọc thêm