Không để lao động được đào tạo “ngồi chơi”

(PLO) - Tỷ lệ lao động qua đào tạo thất nghiệp còn cao, công tác dạy nghề chưa gắn với nhu cầu thị trường, nợ đọng bảo hiểm xã hội… là những vấn đề mà Đại biểu Quốc hội chờ đợi có những giải pháp khắc phục từ Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền tại phiên chất vấn sáng qua (19/11).   
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền
 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền
Lao động thất nghiệp là lãng phí
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã thừa nhận như vậy khi giải đáp các vấn đề liên quan đến tỷ lệ LĐ qua đào tạo thất nghiệp ngày càng tăng thời gian qua. 
Bộ trưởng cho biết: “đào tạo nguồn nhân lực trong từng thời kỳ phải phù hợp khả năng phát triển kinh tế, đào tạo những ngành nền kinh tế cần. Trong dự đoán nhu cầu thị trường LĐ, Bộ đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cố gắng có định hướng nhưng từng ngành cũng phải có qui hoạch đào tạo nhân lực của ngành mới thành qui hoạch đào tạo nhân lực chung của cả nước”. 
Tuy nhiên, mỗi năm có khoảng trên 800.000 LĐ được đào tạo nghề ra trường trong khi tốc độ phát triển của nền kinh tế chưa theo mong muốn, còn khó khăn, đào tạo có những hạn chế nhất định như các nghề có trình độ cao, đòi hòi của DN nước ngoài còn hạn chế, đào tạo chưa gắn kết với thị trường LĐ, nên chỉ 70-80% có việc sau khi ra trường.
Do vậy, Bộ trưởng cũng nhận định, để giảm tỷ lệ thất nghiệp thì chương trình đào tạo LĐ phải sát và gắn với thị trường. 
Khó chấm dứt nợ bảo hiểm xã hội
Phân tích thực tế, người lao động (NLĐ) nhận lương là hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), còn trách nhiệm đóng BHXH cho cơ quan BHXH là của người sử dụng lao động, song NLĐ vẫn bị cơ quan BHXH từ chối thanh toán BHXH với  lý do “chưa đóng BHXH”, 
ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH có giải quyết được tình trạng NLĐ “bị bắt làm con tin như vậy” trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Cùng quan tâm đến tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và quyền lợi của NLĐ, nhiều ĐBQH đề nghị làm rõ nguyên nhân từ công tác quản lý nhà nước, cũng như trách nhiệm của Bộ trong việc để xảy ra tình trạng này. 
Công bố số liệu đến ngày 30/9, các DN còn nợ 7.000 tỷ đồng BHXH, 600 tỷ đồng bảo hiểm thất nghiệp và gần 7.000 tỷ đồng bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền chỉ ra nguyên nhân là NSDLĐ chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm đóng BHXH, một số DN khó khăn, mức độ xử phạt đối với DN nợ BHXH nhẹ nên DN cố tình để nợ BHXH hơn là phải vay ngân hàng, tổ chức công đoàn không đấu tranh, phản ánh kịp thời để bảo vệ quyền lợi NLĐ trong việc đóng BHXH…
“Bộ có trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát và xử lý tình trạng nợ BHXH” – Bộ trưởng LĐTB&XH thừa nhận. Bộ trưởng Chuyền cho biết, DN cố tình nợ BHXH thì các cơ quan quản lý trực tiếp sẽ xem xét trách nhiệm của DN, nhưng quyền lợi của NLĐ vẫn phải được đảm bảo. Tuy nhiên, hiện ngành LĐTB&XH chỉ có trên 400 cán bộ làm công tác thanh tra nên số cuộc thanh, kiểm tra việc đóng BHXH là rất ít so với số DN. 
Do vậy, giải pháp được Bộ coi là hiệu quả là kiến nghị bổ sung chức năng thanh tra đóng BHXH cho cơ quan BHXH, qui định cơ quan bảo hiểm phải định kỳ cung cấp công khai thông tin về đóng bảo hiểm để NLĐ giám sát, nâng mức chậm đóng đối với số BHXH nợ đọng, chuyển cơ quan điều tra xử lý các DN bị phát hiện cố tình nợ BHXH. Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến vai trò của tổ chức công đoàn tại DN “phải kiên quyết bảo vệ quyền lợi NLĐ, yêu cầu DN đóng BHXH và thông báo  cơ quan chức năng nếu DN chây ỳ”.  

Đọc thêm