Không để quyền lực 'đen' chi phối!

(PLO) - Một việc chưa từng có tiền lệ đã xảy ra gây bàng hoàng dư luận: Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh và một số cán bộ chính quyền nơi đây bị đe dọa, xuất phát từ những bất đồng trong việc khai thác cát trên sông Cầu. Trớ trêu là sự việc này xảy ra ngay sau khi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc với Đồng Nai và tỏ rõ quyết tâm các địa phương phải chống bằng được nạn “cát tặc”. 
Khai thác cát ồ ạt ngoài biển ở Phú Quốc (Kiên Giang) để xuất khẩu - Ảnh: Nguyễn Triều/TTO.
Khai thác cát ồ ạt ngoài biển ở Phú Quốc (Kiên Giang) để xuất khẩu - Ảnh: Nguyễn Triều/TTO.

Cùng thời điểm, vấn đề cát đang nóng lên bởi câu hỏi: Cát Phú Quốc đi đâu và có phải tài nguyên đất nước đang bị bán rẻ để nước ngoài bồi đắp biển của họ?

Không còn nghi ngờ gì, đằng sau việc khai thác cát (dù có phép hay không) có một thế lực ngầm bảo kê và sẵn sàng lao vào “ăn thua đủ” với đối thủ cạnh tranh, với sự phản ứng của người dân mà không hề e ngại nếu lực lượng chức năng và cả chính quyền nếu có những động thái chạm đến nguồn kinh doanh béo bở này, bất chấp hậu quả gây ra với môi trường, đời sống người dân hay trật tự xã hội. Trên thực tế đã có nhiều vụ xung đột xảy ra, có thương tích và án mạng, thế nhưng việc khai thác cát vẫn không thể kiểm soát. Điều này khẳng định cho sự tồn tại của “thế lực ngầm” đằng sau đó rất lớn!

Cùng tồn tại dai dẳng với nạn “cát tặc” là nạn “lâm tặc” cũng gây nên những nhức nhối trong lòng xã hội. Thủ tướng đã có chỉ đạo đóng cửa rừng nhưng việc khai thác quy mô với mức độ tàn phá lớn vẫn diễn ra. Mới đây, một Thiếu tá công an, đội trưởng vừa bị bắt do cầm đầu một nhóm phá hơn 12 ha rừng ở Đắk Nông. Cũng tại địa phương này, Công an từng bắt những đối tượng cầm đầu phá rừng, chúng sống trong lán trại, có đủ vũ khí và phạm nhiều tội khác nhau. Đây đích thị là nhóm giang hồ, hoạt động theo kiểu “xã hội đen” như đòi nợ thuê, đe dọa và hành hung người khác. Như vậy, thế lực ngầm của bọn “lâm tặc” không chỉ là những thành phần bất hảo mà có cả những người có chức tước trong cơ quan bảo vệ pháp luật.

Chúng ta không chỉ thiếu một cơ chế hữu hiệu kiểm soát quyền lực mà ngay cả lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý xã hội cũng để lộ những khoảng trống lớn. Đà Nẵng vừa phát hiện một công trình xây chưa phép ở bán đảo Sơn Trà là một ví dụ. Cũng tại thành phố này, cả một khu phố xây theo kiểu Tàu diễn ra sau hàng rào mà không ai biết. Những sự việc tương tự xảy ra như thế đã quá nhiều, đặt chính quyền vào thế bị động, “việc đã rồi” và rồi sẽ được hợp thức hóa theo kiểu bổ nhiệm cấp tốc vẫn đúng quy trình.

Một đất nước có hệ thống pháp luật điều chỉnh mọi quan hệ xã hội là chỗ không thể dung thứ cho những “thế lực ngầm”, “xã hội đen”. Mảnh đất dung dưỡng cho các thế lực này là sự buông lỏng quản lý, kỷ cương và đặc biệt là không kiểm soát nổi sự bành trướng quyền lực trong bóng tối! 

Đọc thêm