Không để tồn tại tình trạng 'chống lưng' cho tội phạm

(PLO) - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu như vậy tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo 138/CP diễn ra sáng qua (7/3).
Không để tồn tại tình trạng 'chống lưng' cho tội phạm

Để tội phạm lộng hành, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết, trong năm 2016 toàn quốc xảy ra 54.511 vụ phạm pháp hình sự  (giảm 4,4% so với năm 2015), nổi lên là hoạt động của tội phạm có tổ chức có dấu hiệu phức tạp trở lại trên nhiều địa bàn. Tội phạm về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp tinh vi, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với tính chất nghiêm trọng. Đáng lo ngại là tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư công, quản lý, vận hành ở các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước gây thất thoát nguồn vốn của Nhà nước.

Tội phạm mua bán người mặc dù giảm 6% vụ, nhưng tăng 12% số nạn nhân. Thống kê cho thấy, điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em giá để hoạt động mại dâm; đưa người trái phép ra nước ngoài lao động thời vụ, du lịch, học tập, thăm thân, chữa bệnh,… tiềm ẩn nguy cơ bị mua bán; lợi dụng quy định về hiến ghép tạng để mua bán tạng trái phép.

Tội phạm về ma túy tiếp tục tăng. Các cơ quan hữu quan phát hiện nhiều vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn, các đối tượng luôn sử dụng vũ khí quân dụng, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bắt giữ từ tuyến biên giới Lào vào Việt Nam. Bên cạnh việc mua bán, vận chuyển và sử dụng một số loại ma túy mới như “cỏ Mỹ”, “lá Khát”, “tem giấy”, “bùa lưỡi” có xu hướng gia tăng, đang trở thành trào lưu trong giới trẻ nhưng chế tài xử lý còn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến công tác phát hiện, điều tra xử lý về hình sự.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, xuyên quốc gia, truy bắt đối tượng truy nã, không để hình thành các băng nhóm, tổ chức tội phạm “lộng hành”, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. “Nơi nào để tội phạm hoạt động “lộng hành” trong thời gian dài thì lãnh đạo UBND địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các đơn vị, địa phương cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao phẩm chất, đạo đức lối sống, giữ vững kỷ cương, kiên quyết chống suy thoái, tiêu cực; không để tồn tại tình trạng nhũng nhiễu, lót tay, bôi trơn, “chống lưng”, tiếp tay cho tội phạm…; kiên quyết xử nghiêm cán bộ, chiến sỹ vi phạm pháp luật, kỷ luật.

Cần xử lý việc kinh doanh “bóng cười”, shisa

Cho rằng tội phạm đang diễn biến phức tạp với mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là ở tuyến biên giới, theo Thượng tướng Lê Chiêm (Bộ Quốc phòng), nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phức tạp của các loại tội phạm là do kinh tế vùng biên gặp nhiều khó khăn, phát triển kinh tế không đồng đều tại các địa phương.

“Cùng với đó, phần lớn các thanh niên tại các vùng biên giới, hải đảo đều không biết chữ, không có công ăn việc làm ổn định. Tôi đã đi nhiều vùng thấy rằng có những bản làng thống kê có từ 80% đến 90% thanh niên không học hành, không tham gia tổ chức đoàn, hội nào cả. Chính vì thế, tình hình tội phạm vùng biên ngày càng nghiêm trọng và đây là mảnh đất màu mỡ cho các lực lượng tội phạm”, Tướng Lê Chiêm nói.

Thiếu tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM cũng cho biết, trên địa bàn TP đang gia tăng những án có tính chất bạo lực, hành xử thô bạo liều lĩnh. Đặc biệt, tội phạm có hướng trẻ hóa ngày càng tăng. Các đối tượng tội phạm lợi dụng lòng tham của người dân, giả danh công quyền lừa đảo thông qua mạng xã hội.

Còn trên địa bàn Hà Nội, phản ánh của Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, hiện tại có một nhóm người nước ngoài chuyên đi trộm tài sản trên xe ô tô, rình ở những nơi giao nhận tiền, đánh hỏng xe để trộm cắp.

Thiếu tướng Toản đề nghị Chính phủ cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện để các lực lượng triển khai trấn áp tội pháp; cần có chế tài xử lý đối với loại hình kinh doanh như “bóng cười”, shisa vì hiện nay, số lượng thanh niên, học sinh sử dụng rất nhiều, gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng, trong khi các văn bản pháp luật chưa có quy định hạn chế kinh doanh hay chế tài xử lý vì không nằm trong danh mục chất ma tuý.

Đọc thêm