Không để trục lợi chính sách trong cổ phần hóa

(PLVN) - Ngày 19/3, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) và các bộ, ngành liên quan về tình hình triển khai công việc hiện nay, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP.

Cơ cấu lại toàn diện các tập đoàn, tổng công ty

Đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức của Ủy ban và 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Thường trực  Trương Hòa Bình ghi nhận, các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế đã thể hiện được vai trò trong việc góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế; là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Ủy ban đã chỉ đạo, điều phối hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành cơ bản các mục tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh đề ra, nhất là về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập của người lao động tăng lên, vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển.

Cụ thể, doanh thu đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng (tăng 6,4% so cùng kỳ), lợi nhuận tăng gần 100.000 tỷ đồng (tăng 17,6% so với kế hoạch), nộp ngân sách đạt trên 221.000 tỷ đồng (tăng 17,6% so với cùng kỳ). Hiện nay, Ủy ban cũng đã tiếp nhận và thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án ngành Công Thương đã nghiên cứu và có những đề xuất giải pháp quyết liệt hơn, sát với thực tế hơn.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực  Trương Hòa Bình cũng chỉ ra những tồn tại, vướng mắc mà Ủy ban cần sớm khắc phục. Điển hình là việc xem xét, quyết định theo thẩm quyền đối với đề nghị của tập đoàn, tổng công ty còn chậm; các văn bản pháp luật có liên quan còn chưa thống nhất, chưa đồng bộ; các bộ, ngành, cơ quan còn chưa chủ động phối hợp với Ủy ban trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao… 

Nhấn mạnh các nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban sát cánh cùng các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc triển khai các Đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã được phê duyệt; khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Tập trung cơ cấu lại toàn diện về sản xuất kinh doanh, tài chính, đầu tư, nhân sự và quản trị của tập đoàn, tổng công ty để nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, Ủy ban phải quản lý, kiểm soát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, không để xảy ra tham ô, tham nhũng nhưng phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, phát huy sức mạnh của 19 tập đoàn, tổng công ty này là “quả đấm” của Nhà nước, giữ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần tập trung đánh giá khó khăn do tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty. Đặc biệt là ngành hàng không, dầu khí, đường sắt...

Theo Phó Thủ tướng, Ủy ban, các bộ, ngành phải tính toán, đánh giá, tập trung vào những nội dung ưu tiên để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, đây cũng là điều kiện để chúng ta tranh thủ xây dựng, phát triển hạ tầng để khi dịch qua đi có thể thúc đẩy phát triển nhanh các lĩnh vực còn hạn chế.

Không vì sợ trách nhiệm mà không làm

Lưu ý trong vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp liên quan đến tài sản là nhà, đất, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố xem xét, giải quyết các vướng mắc, khó khăn và phê duyệt phương án sắp xếp đất đai và sử dụng các cơ sở nhà đất đúng thời gian quy định, không để ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu lại, cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: “Không để tình trạng như vừa qua, liên doanh với tư nhân rồi bán hết cổ phần cho tư nhân để chuyển mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp thành đất kinh doanh thương mại, dịch vụ, ăn khoản chênh lệch địa tô rất lớn, nhất là những nơi đắc địa. Chúng ta khuyến khích nhiều thành phần kinh tế, thúc đẩy cổ phần hóa nhưng phải đảm bảo không để trục lợi chính sách, lợi ích nhóm chi phối”, Phó Thủ tướng chỉ rõ. 

Theo Phó Thủ tướng Thường trực  Trương Hòa Bình, hiện đang có tâm lý sợ trách nhiệm nên dẫn đến việc làm cầm chừng, thoái lui. Để tạo tâm lý yên tâm cho cán bộ, công chức, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ tính đến cơ chế bảo vệ cán bộ, công chức có lòng dũng cảm dám phát hiện cái sai và bảo lưu ý kiến của mình, báo cáo Chính phủ trong tháng 4 tới.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ quán triệt tinh thần phát huy trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao phẩm chất, năng lực, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm để thúc đẩy bộ, ngành mình đi lên, khuyến khích công chức đổi mới sáng tạo, đóng góp tài năng, phát huy dân chủ. 

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, sau khi tiếp nhận đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban phải tiếp tục xử lý 259 việc các bộ đang xử lý dở dang; trong đó có nhiều việc phức tạp, nhiều vướng mắc, khó khăn, tồn đọng qua nhiều năm; có việc liên quan đến thanh tra, kiểm tra, điều tra, xét xử, kỷ luật, thay thế cán bộ. Đến nay, Ủy ban đã chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, cơ quan xử lý được 201/259 việc. 

Đọc thêm