Không để “việc đã rồi”!

(PLO) - Có một thói quen, đúng hơn là một phương sách đối phó, tức là biết sai nhưng vẫn cứ làm, thậm chí là vi phạm pháp luật, đặt vào tình trạng “việc đã rồi” và cách sửa chữa duy nhất từ cấp trên  là yêu cầu “rút kinh nghiệm sâu sắc” còn bản thân người cố ý làm trái thì “nghiêm khắc tự kiểm điểm, nhận hình thức kỷ luật phê bình”.
Tỉnh Quảng Nam phân công Phó chủ tịch Lê Trí Thanh trực tiếp chỉ đạo vụ việc. Ảnh: VNE
Tỉnh Quảng Nam phân công Phó chủ tịch Lê Trí Thanh trực tiếp chỉ đạo vụ việc. Ảnh: VNE

Cái “quy trình” này đã quá quen, khá phổ biến trong lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý hành chính và quản lý con người của đời sống nước ta. Thậm chí những người mắc khuyết điểm, có hành vi sai trái lại được “đá hất lên” ở vị trí cao hơn – một biểu hiện rất rõ ràng của việc coi thường phép nước.

Song, gần đây thì mọi chuyện đã khác, việc đã rồi không thể cho qua. Điển hình nhất là những việc “bổ nhiệm đúng quy trình nhưng không đúng tiêu chuẩn”, những “chuyến tàu vét” nhân sự bị phanh phui, những ưu ái “vượt rào pháp luật” gây hiệu quả nghiêm trọng yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm.

Mới đây nhất, vụ phá rừng pơ mu ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Gỗ quý bị chặt hạ, có cây hàng trăm tuổi đã đành nhưng nó xảy ra ngang nhiên ở nơi mà Bộ đội Biên phòng trấn giữ, “cái kim chui không lọt” và ngay sát nách Trạm Hải quan, bên cạnh Đồn Biên phòng.

Sự việc càng thêm nóng khi người đứng đầu chính quyền địa phương, ông Chủ tịch UBND huyện lên tiếng đổ lỗi tất cả cho lực lượng biên phòng, còn chính quyền bất lực và vô can. Đây cũng là minh chứng rõ ràng cho việc quản lý hình thức “không giẫm chân lên nhau”, “phối hợp chặt chẽ” nhưng để ra một “lỗ hổng” trách nhiệm rất lớn. Muốn nói gì cũng được nhưng trách nhiệm của chính quyền quản lý địa bàn thì không thể bỏ qua. Hoặc, như Sở NN&PTNT Thanh Hóa có đến 8 cấp phó mà vẫn “đúng quy trình” thì trách nhiệm đâu chỉ thuộc ông Giám đốc Sở này, đó là trách nhiệm của người đứng đầu là ông Chủ tịch UBND tỉnh, ông quản lý nhân sự cơ mà.

Cứ nói mãi, xác định mãi trách nhiệm của người đứng đầu nhưng thực tế hầu như chẳng có vụ bê bối nào mà người đứng đầu phải chịu chế tài về cái trách nhiệm của mình. Vì thế, mới có câu thách thức: “Anh ra Trung ương mà hỏi!”, thì ra họ học nhau cái thói “xé rào quy định”. Trên tinh thần xây dựng một “Chính phủ kiến tạo” thì dứt khoát những việc như thế này sao có thể bỏ qua?!

Trong lĩnh vực tư pháp, thực thi pháp luật cũng có tình trạng “việc đã rồi”. Nhưng, việc đã rồi ấy người ta cố tình để “chìm xuồng” mà không được. Minh chứng rõ nhất là các vụ “đại án” phải do Ban Phòng chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo thì mới đưa ra xét xử. Mới đây nhất là vụ xử  ông chủ ngân hàng Phạm Công Danh với gần 1 vạn tỷ đồng thất thoát cũng phải có chỉ đạo từ Tổng Bí thư! Những vụ án “đầu voi, đuôi chuột” cũng không phải là ít, gây ra sự mất niềm tin vào cán cân công lý.

Đã đến lúc những “việc đã rồi” không thể để cho rồi mà phải làm cho ra nhẽ. Những sai trái, vi phạm pháp luật làm tổn hại đất nước không thể chìm vào quá khứ cùng “chuyến bay” đã “hạ cánh an toàn” của những người đã gây ra chuyện!

Đọc thêm