Không khuyến khích phát triển thủy điện theo phương thức đối tác công tư

(PLVN) - Thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sáng 28/5, nhiều đại biểu tán thành với phương án sẽ cho phép đầu tư lưới điện, nhà máy điện theo phương thức PPP, trừ nhà máy thủy điện.

Qua nghiên cứu và từ thực tiễn của địa phương, Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) thống nhất việc lựa chọn phương án đầu tư lưới điện, nhà máy điện theo phương thức PPP. 

Ông phân tích, việc lựa chọn này phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. 

Theo đó, yêu cầu việc phát triển năng lượng nhanh và bền vững, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia, vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của Nhà nước hay thực tế hiện nay đã có nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo phương thức PPP. 

Riêng đối với nhà máy thủy điện, do vấn đề ảnh hưởng tác động đến tài nguyên, môi trường, đến mức độ an toàn cuộc sống của người dân cũng như hiện nay thì chúng ta đã thu hút được đầu tư tư nhân vào nhà máy thủy điện theo hình thức IPP - nhà máy điện độc lập. Như tại Nghệ An, hiện đã có 19 nhà máy thủy điện và trong đó có 16 nhà máy điện do tư nhân đầu tư. 

Do đó, ông đồng ý với việc chọn phương án áp dụng phương thức đầu tư PPP đối với lĩnh vực lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) bổ sung thêm lý do chọn phương án loại trừ nhà máy thủy điện bởi việc đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện đang làm ảnh hưởng nhiều đến tài nguyên và mức độ an toàn của hồ đập. 

Hơn nữa, đến nay đã có nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư mà không cần phải đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nên không cần thiết đưa nhà máy thủy điện vào lĩnh vực đầu tư PPP.

Cũng tán thành việc không đưa nhà máy thủy điện vào nhóm các dự án PPP như các đại biểu đã phân tích, Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng) nêu, có nhiều dự án xây dựng nhà máy điện gió, điện mặt trời, điện khí quy mô lớn cũng cần phải đầu tư theo phương thức PPP.

Việc cho phép doanh nghiệp chủ đầu tư PPP được đầu tư vào lưới điện sẽ tạo điều kiện san sẻ bớt áp lực tài chính với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhằm đưa nhanh sản phẩm điện từ các nhà máy điện cung cấp bổ sung cho lưới điện quốc gia. 

“Đầu tư PPP không phải là đầu tư tư nhân thuần túy nên quyền kiểm soát, quyết định các yếu tố liên quan đến phát triển điện, cung ứng dịch vụ truyền tải điện vẫn phải do cơ quan có thẩm quyền để thực hiện.

Do đó, việc cho phép đầu tư dự án PPP trong lĩnh vực lưới điện là không trái với quy định độc quyền của nhà nước tại Luật Điện lực”, Đại biểu Tùng nhấn mạnh. 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Tạ Văn Hạ. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Tạ Văn Hạ. (Ảnh: Quochoi.vn) 

Phát biểu tại Hội trường, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Tạ Văn Hạ cho rằng, những quy định về lĩnh vực đầu tư dự án PPP mục tiêu chính là nhằm huy động những nguồn lực to lớn đang tiềm ẩn trong dân khi nguồn ngân sách nhà nước còn eo hẹp. Do đó, không nên hạn chế đầu tư trong lĩnh vực đầu tư PPP, nhất là lĩnh vực nhà máy điện. 

Theo Đại biểu, chúng ta đang có cơ hội phát triển kinh tế lớn khi nhu cầu về điện tăng lên thì cần tận dụng cơ hội này, đồng thời việc huy động đầu tư lĩnh vực này sẽ đảm bảo được an ninh năng lượng. 

Đọc thêm