Không kiên quyết không giữ được rừng

(PLO) - Sốt ruột trước tình trạng rừng ở Mường Nhé bị phá, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã nói như vậy khi trao đổi với PLVN về hàng loạt vấn đề đang đặt ra đối với “điểm nóng” này trong công tác giữ rừng. 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn (thứ hai từ trái sang) kiểm tra thực địa tình hình phá rừng ở Mường Nhé
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn (thứ hai từ trái sang) kiểm tra thực địa tình hình phá rừng ở Mường Nhé

Mất nhiều hơn con số báo cáo

Có mặt tại thực địa để kiểm tra, ông nhận xét gì về con số mà báo cáo của UBND huyện Mường Nhé đưa ra: trong khoảng thời gian 2013-2016 rừng ở đây chỉ giảm khoảng gần 1.000ha?

- Quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, tỉnh Điện Biên đã có rất nhiều cố gắng nhưng phải nói là không đạt như mong muốn, tình hình phá rừng còn rất phức tạp trong khi phát triển rừng không đạt được chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.  

Mường Nhé có diện tích tự nhiên trên 157.000ha. Lần điều tra, kiểm kê gần nhất vào tháng 5/2016, diện tích có rừng ở đây chỉ còn trên 72.000ha. Điều đó có nghĩa là trên địa bàn của huyện Mường Nhé hiện có trên 83.000ha là chưa có rừng. 

Báo cáo nói diện tích rừng bị mất trong mấy năm qua là 1.623ha, tôi cho rằng con số này chỉ là phần diện tích mà các cơ quan chức năng, chủ yếu là cơ quan kiểm lâm lập biên bản, đo tính được. Qua kiểm tra thực địa tôi nghĩ diện tích bị mất lớn hơn nhiều, góp phần vào diện tích không có rừng của huyện này lên tới 83.000ha.  

Thưa Thứ trưởng, đối tượng phá rừng được xác định chủ yếu là dân di cư tự do và từ năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt đề án sắp xếp, ổn định dân cư của huyện Mường Nhé, hơn nghìn tỷ đã được đầu tư vào đây nhưng dường như đề án này đã không phát huy hiệu quả trên thực tế?

- Đúng là Chính phủ rất quan tâm, có hẳn một đề án và bố trí nguồn vốn ngân sách riêng cho Mường Nhé tại Quyết định 79 ngày 12/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói Trung ương đã rất ưu tiên và đầu tư vào huyện khó khăn này. 

Tôi được các cơ quan chức năng báo cáo việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước trong 4 năm qua vào Mường Nhé là khoảng 1.100 tỷ đồng. Việc sử dụng vốn là đúng quy định nhưng nhìn chung chúng ta chưa đáp ứng đủ 100% vốn cho đề án và việc triển khai trên thực tế cũng chưa đạt kết quả theo tiến độ được duyệt. Vừa rồi, chúng tôi đã cùng với các bộ, ngành xem xét và đề nghị Chính phủ cho kéo dài thực hiện chương trình này thêm một số năm, cụ thể là đến năm 2020. 

Đề án hiện vẫn còn đang thực hiện dở dang, việc vận động bà con về nơi mà mình quy hoạch mới cũng chưa đồng bộ với tiến độ triển khai các công trình. Bởi thế có những nơi cơ sở hạ tầng đầu tư rồi mà bà con thì vẫn chưa thấy về. Thời gian tới cần phải đẩy mạnh, làm quyết liệt chỗ này. Ngoài ra, khi thực hiện chúng tôi mong muốn quy hoạch làm sao để có được vùng sản xuất ổn định để bà con có thu nhập mà định cư lâu dài.    

Không thể để kéo dài tình trạng nhờn luật 

Thưa Thứ trưởng, sau khi có Đề án 79 của Chính phủ, số dân di cư về Mường Nhé không dừng lại mà vẫn tiếp tục tăng 395 hộ với 2021 nhân khẩu. “Làn sóng” di cư tự do kéo theo hệ lụy phá rừng hết sức nghiêm trọng, vậy Trung ương và địa phương có giải pháp gì để giải quyết số dân di cư này? 

- Số dân di cư tự do về Mường Nhé đúng là tiếp tục tăng. Nhưng nếu so với tốc độ tăng vào các năm 2010, 2013 thì cũng đã giảm rất nhiều. Những năm đó, thống kê cho thấy số hộ di cư tự do về Mường Nhé là 2023 hộ với gần 13 ngàn nhân khẩu. Nhưng từ năm 2012 khi có đề án 79, tuy có tăng nhưng cũng chỉ tăng chưa đến 400 hộ. Nếu nhìn như vậy thì rõ ràng đã có giảm. 

Việc di dân tự do chúng ta mong muốn sớm chấm dứt nhưng cũng không thể một lúc mà làm được vì số dân di cư là khá đông và đến từ khắp nơi trên cả nước. Không chỉ dân ở các tỉnh giáp ranh Điện Biên, thậm chí có cả dân từ phía Nam như Đắk Nông, Đắc Lắk di cư ra. Để xử lý dứt điểm câu chuyện di dân tự do, yêu cầu chúng ta phải làm đồng bộ, cả nơi đi lẫn nơi đến.  

Thưa Thứ trưởng, từ 2015 đến nay có 313 vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật ở Mường Nhé được lập hồ sơ nhưng chỉ có 6 vụ bị xử lý hình sự, hình như thái độ thiếu kiên quyết của cơ quan chức năng đang làm cho tình trạng phá rừng ngày càng nghiêm trọng? 

- Có thể nói phá rừng trên địa bàn Mường Nhé trong thời gian qua là rất phức tạp và hết sức nghiêm trọng nhưng nếu để ý chúng ta có thể thấy phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé gần như không diễn ra.

Nguyên nhân của nó không phải là không có người di dân tự do vào mà do lực lượng bảo vệ rừng ở đây có thái độ rất kiên quyết. Anh em kiểm lâm được giao nhiệm vụ nhờ thường xuyên tuần tra nên đã phát hiện kịp thời nhiều vụ phá rừng. Và khi phát hiện thì xử lý ngay, đưa người vi phạm ra khỏi Khu bảo tồn, xử lý theo đúng quy định của pháp luật, nhờ đó người ta không dám quay trở lại.  

Tôi đã nói với lãnh đạo huyện Mường Nhé đây là hình ảnh, bài học tốt cho huyện. Không chỉ đối với khu bảo tồn thiên nhiên này mà trên toàn địa bàn của huyện cần phải xử lý kiên quyết như vậy. Ngoài vận động tuyên truyền, hỗ trợ chính sách cho bà con để họ sớm ổn định cuộc sống, chúng ta cần phải kiên quyết không thể để một số phần tử lợi dụng những chính sách của Nhà nước rồi cố tình vi phạm pháp luật và tạo ra những hệ lụy, thói quen nhờn pháp luật lâu dài như thế được. 

Cám ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi này!  

“Liều kháng sinh” để bảo vệ rừng Mường Nhé

“Chúng tôi đã thống nhất với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đối với khu vực trọng điểm phá rừng hiện nay của Mường Nhé thì phải xử lý kiên quyết. Phải vận động bà con để bà con hiểu rồi gắn với việc thực hiện Đề án 79 của Chính phủ, phải đưa bà con vào vùng quy hoạch để làm ăn, sinh sống, định canh, định cư lâu dài. Nhưng đồng thời cũng phải kiên quyết xử lý bằng pháp luật đối với những người cố tình vi phạm. Trước mắt, Bộ NN&PTNT cũng đã thống nhất với tỉnh sẽ dành cho Mường Nhé một dự án có tính chất là đặc thù, dự án riêng trong kế hoạch bảo vệ phát triển rừng của cả nước”. 

Thứ trưởng Hà Công Tuấn

Đọc thêm