Không nên giao quá 3 dự án luật cho một cơ quan chủ trì soạn thảo

(PLO) - Đó là quan điểm của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Luật khi cho ý kiến tại tổ về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, hôm qua (23/5).
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp tổ.
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp tổ.

Cần loại bỏ sự dễ dãi khi làm luật

Cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, việc rút  4 luật lớn ra khỏi chương trình như dự kiến là một vấn đề khá lớn do đó cần phân tích kỹ các tồn tại, hạn chế, qua đó có giải pháp để tình trạng này không còn tồn tại. Theo ĐB Bé, Quốc hội (QH) cần thể hiện quyền lực của mình không nên như kỳ họp vừa rồi QH đã cho ý kiến một số luật rồi lại rút 4 dự án luật nhưng chưa cho biết lý do tại sao. “Sự dễ dãi này làm cho việc xây dựng luật, pháp lệnh của QH chúng ta có gì đó không nghiêm túc”, bà Bé nêu quan điểm.

Cùng quan điểm ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) đề nghị cần đảm bảo đúng nguyên tắc theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với dự án đưa vào cần đảm bảo kỹ lưỡng, có đánh giá cụ thể đối tượng liên quan. Nhiều dự luật đưa vào nhưng lùi lại như Bộ luật Lao động, Luật về Hội, là cái Chính phủ cần giải trình rõ. Không thể đưa ra đưa vào dễ dàng. Nói như lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Công Hồng thì: “Nguyên nhân sâu xa là đầu vào, đưa vào thì rất dễ, nói rất hay còn đưa ra thì không ai chịu trách nhiệm gì? Nếu cứ duy trì thế này thì sau lại thế”.

ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) thì cho biết, nếu lục lại báo cáo của các năm trước 5 hoặc 7 năm đều giống nhau, nghĩa là chúng ta nhận định giống nhau triền miên mà không sửa được vấn đề xây dựng pháp luật. “Có nhiều luật từ năm 2013, giờ đến năm 2017 rồi mà chưa có nghị định hướng dẫn. Trong khi đó Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định dự thảo luật  trình cùng nghị định hướng dẫn ghi vào đó mà không thực hiện được”, ĐB Thân nói.

Còn ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, chất lượng cơ quan soạn thảo còn chưa tốt, đơn cử như Luật về Hội từ dự thảo ban đầu đến nay đã thay đổi 99%, coi như viết lại hoàn toàn. Cho nên phải nâng cao chất lượng ngay từ đầu là cơ quan soạn thảo, sau đó mới đến thẩm tra.

“Mời hàng trăm đại biểu đến góp ý kiến cho luật nhưng không thảo luận được, đó chính là gây lãng phí vì trong buổi sáng làm sao phát biểu được hết trăm đại biểu, cuối cùng chỉ xin gửi lại văn bản thì làm sao mà tranh luận được. Chỉ qua tranh luận mới thống nhất được ý kiến chốt lại vấn đề. Do đó cần kéo dài thời gian lấy ý kiến” ông Bình đề nghị. Và theo ông Bình, cần đưa Luật về Hội vào chương trình năm 2018 chứ không thể bỏ qua không biết đến bao giờ. 

Loại bỏ tính cục bộ của các bộ, ngành

Theo ĐB Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang), hiện tại so với trước đây, khi xây dựng một luật cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự thảo luật đã phối hợp chặt chẽ hơn rất nhiều. Từ việc triển khai nghị quyết rồi kế hoạch đã có sự phân công rồi mời các cơ quan đã tham gia phối hợp nên nhiều dự án luật đã được thông qua với nhất trí cao.

Tuy nhiên, ĐB Luật băn khoăn khi nhiều hồ sơ báo cáo tác động của các dự án luật viết rất sơ sài, viết chỉ đủ và mang tính hình thức, chưa đảm bảo hết quy phạm về đối tượng tác động. ĐB Luật đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu thành lập một tờ báo chuyên đưa tất cả các dự thảo luật, nghị định để người dân có thể theo dõi và góp ý về các dự án luật. Ở nhiều nước các dự án luật xuất bản trên 1 tờ báo chuyên về dự án luật để người dân tiếp cận thông tin và đóng góp ý kiến. 

Đồng tình với việc, chỉ trừ  trường hợp đặc biệt sẽ không giao cho một ủy ban thẩm tra không quá 3 dự án luật trong một kỳ họp, ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) đề nghị không nên để các bộ, ngành chủ quản chủ trì xây dựng các dự án luật vì việc này sẽ không bao giờ tránh khỏi việc cục bộ. “Chính việc cục bộ nên cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, các chuyên gia không đồng bộ các quan điểm”, ĐB Hùng nói.

Cho ý kiến về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, ông đồng tình với quan điểm không nên giao quá 3 dự án luật cho một cơ quan để chủ trì soạn thảo hay thẩm tra. Theo Bộ trưởng Long, hiện tại trong kỳ họp này Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo 4 dự thảo luật nên tương đối nặng.

“Rất mong các ĐB thảo luận công khai, minh bạch, thẳng thắn, những gì chưa chín, chưa đảm bảo chất lượng thì cơ quan soạn thảo sẵn sàng tiếp thu ý kiến của ĐBQH”, Bộ trưởng Long nói. Liên quan đến 4 dự án luật xin lùi, xin rút, Chính phủ sẽ có báo cáo riêng để gửi ĐBQH. Trong báo cáo sẽ nêu những vấn đề lớn của các dự án luật rồi mới soạn thảo để tránh việc trình ra rồi có ý kiến ngược lại.

Đọc thêm