Không thể đánh đổi

(PLO) - Phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu nhưng không đánh đổi bằng mọi giá. Tất yếu là như vậy, mới đây, khi được Thủ tướng Canada mời dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng với chủ đề chính là biến đổi khí hậu, đại dương và năng lượng sạch,... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong cuộc trao đổi là Việt Nam “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế!”. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cái nguyên tắc “không đánh đổi” đó đã được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần khi sự cố xả thải chất độc hại ra biển do Formosa gây ra và trở thành một bài học đắt giá cho những ai muốn sự “đánh đổi” đó. Các nhà lãnh đạo quốc gia rất lo ngại về những sự cố môi trường và tìm mọi biện pháp để ngăn chặn, tuy nhiên, “trên nóng, dưới lạnh” vẫn là tình trạng đáng phê phán trong lĩnh vực này.

Gần đây nhất, Bộ Văn hóa đã có một động thái dứt khoát khi từ chối dự án của Quảng Ninh về việc lập một “Điểm dừng chân” trong vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. “Điểm dừng chân” này đã được UBND TP Hạ Long công bố quy hoạch vào tháng 10 năm 2016 gồm khu biểu diễn, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, các khu phụ trợ với các dịch vụ tham quan du lịch, mua bán hải sản,... tại vụng Cặp Táo, Vịnh Hạ Long. Việc “bác” này của Bộ Văn hóa là kịp thời và đúng đắn, UNESCO từng khuyến cáo các địa phương có di sản không nên coi di sản như một công cụ để phát triển kinh tế. Khi có danh hiệu di sản thì cần bảo tồn chứ không phải kéo khách đến để thu tiền. Trường hợp những người có chức trách “ngó lơ’ để doanh nghiệp xây dựng xong cả một công trình “tiểu Trường thành” trong vùng lõi di sản thiên nhiên Tràng An là một ví dụ về sự đánh đổi môi trường, thậm chí xâm hại cả di sản thiên nhiên để làm du lịch kiếm tiền.

Đó là các dẫn chứng chỉ trong phạm vi di sản được bảo vệ nghiêm ngặt mà người ta còn toan tính để hủy hoại môi trường đến thế thì những gì diễn ra ở các khu công nghiệp, các nhà máy, các trại chăn nuôi,... tình hình nghiêm trọng hơn nhiều. Có những nơi ô nhiễm đến mức người dân không thể sống nổi và đã có những sự phản kháng tự phát từ phía những người gánh chịu hậu quả từ việc “đánh đổi môi trường lấy kinh tế” mà bất chấp sức khỏe và sinh hoạt của người dân cùng các hệ lụy đối với con cháu họ. Nhiều trường hợp các cơ sở công nghiệp đã đi vào hoạt động mà khi xảy ra sự cố mới biết rằng vẫn chưa có báo cáo tác động môi trường – một văn bản bắt buộc phải có khi xây dựng. Chắc chắn, đó là kết quả của sự thiếu trách nhiệm của người có trách nhiệm.

“Không đánh đổi” nhưng người ta cứ âm thầm “đánh đổi”, cái họ nhận được là tiền còn hậu quả thì nhân dân và Nhà nước gánh chịu! 

Đọc thêm