Không thể lấy pháp luật ép buộc lòng dân

(PLO) -  Bất kể lĩnh vực quản lý xã hội nào nếu hợp lòng dân thì mọi việc sẽ suôn sẻ, tốt đẹp, pháp luật cũng vậy, không thể mang quyền lực ra mà áp đặt được!
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cái vụ chứng nhận các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng mà cho phép đưa vào sử dụng trong nuôi trồng thủy sản ngỡ như đã “chìm xuồng”, xử lý kỷ luật nội bộ là xong, dư luận rất không đồng tình. Nhưng, mới đây, những cán bộ thuộc Cục Thủy sản (Bộ NN& PTNT) đã “phù phép”cho hơn 900 sản phẩm, thu lợi bất chính hơn 1 tỷ đồng đã bị khởi tố bắt giam về tội “Giả mạo trong công tác”. 

Đây cũng là tội danh ít khi được áp dụng trong thực tiễn thi hành pháp luật hình sự, dù sao, việc khởi tố vụ án cũng mang lại niềm tin vào sự nghiêm minh pháp luật, không để cho những kẻ gây ra mối nguy hiểm cho xã hội, trục lợi cá nhân mà chỉ nhận mức kỷ luật hành chính là xong.

Hy vọng, sắp tới, các vụ gây ô nhiễm môi trường hoặc “băm nát” quy hoạch đô thị cũng phải xử lý tương tự bằng cây gậy và thước đo của pháp luật hình sự. Có thế, mới ngăn ngừa được những sự lộng quyền, làm liều, luồn lách chính sách, pháp luật, chấm dứt tình trạng “giơ cao đánh khẽ” trong việc quản lý xã hội hiện nay.

Tại một diễn biến khác, trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho thấy tình trạng một số người hoặc cơ quan gây ra oan sai vẫn “bình chân như vại”, ngồi cười nhìn các cơ quan khác “bù đầu” lo giải quyết oan, sai cho mình.

Nay, các nhà lập pháp đủ lý do có cơ sở cho rằng, trong cả quá trình tố tụng, anh nào sai ở đâu thì phải chịu trách nhiệm ở đó, chứ không phải chỉ có một cơ quan “giơ đầu chịu báng”. Ý tưởng này hẳn sẽ được đưa vào dự luật để sau đó thành quy định pháp luật, áp dụng cho các trường hợp bồi thường oan sai.

Nhắc đến dự luật, hiện tại có những dự thảo quy định pháp luật gây tranh cãi và biểu lộ thái độ không đồng tình. Thứ nhất là việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nâng giờ làm thêm của công nhân lên tối đa 600 giờ/1 năm. Hiện tại mức tối đa chỉ là 300 giờ, mức quy định tối thiểu là 200 giờ. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này là một sự thụt lùi, thậm chí phản tiến bộ trong việc bảo vệ quyền lợi và chăm lo đời sống công nhân.

Trải qua hàng thế kỷ đấu tranh để giảm giờ làm, tăng thu nhập của giới cần lao sẽ bị vô hiệu hóa nếu theo quy định này. Đây là ý tưởng pháp luật được hình thành nên bởi tư duy làm giàu cho giới chủ! 

Tiếp tục, việc Bộ Y tế đưa ra dự thảo quy định bắt buộc mỗi công dân phải hiến máu hàng năm 1 lần cũng vấp phải phản ứng của dư luận. Đơn giản, điều này đi ngược với tôn chỉ nhân đạo, nhân văn của nghề chữa bệnh, máu cũng như nội tạng, chẳng thể bắt buộc được người ta phải hiến, ngoài sự tự nguyện.

Ngay bản thân từ “hiến” đã là tự nguyện. Làm gì có chuyện “hiến” lại còn bắt buộc, đây hẳn là cách học theo ngành Giáo dục khi sáng tạo ra Sổ Vàng yêu cầu phụ huynh đóng góp tiền của bắt buộc phải tự nguyện(?!). 

Tuy nhiên, trước phản ứng của dư luận, Bộ Y tế đã công bố quyết định không chọn phương án quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân. Theo lý giải của Bộ, vì tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy toàn bộ các quốc gia có ban hành Luật về máu thì không có quốc gia nào quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân.

Bên cạnh đó, nếu quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc thì sẽ xuất hiện một lượng máu dư thừa khá lớn không cần thiết (khoảng gần 28 triệu đơn vị máu mỗi năm); đồng thời cũng làm tăng chi phí của xã hội lên gấp đôi. 

Như vậy để minh chứng một điều, bất kể lĩnh vực quản lý xã hội nào nếu hợp lòng dân thì mọi việc sẽ suôn sẻ, tốt đẹp, pháp luật cũng vậy, không thể mang quyền lực ra mà áp đặt được!

Đọc thêm