"Không thêm luật, chỉ cần trách nhiệm của Thủ tướng là đủ"

(PLO) - Không có kế hoạch chuẩn bị trước như Thủ tướng, nhưng sáng nay, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng đã đăng đàn trực tiếp trả lời câu hỏi của ĐBQH. Trả lời chất vấn về việc có cần thêm luật để làm rõ trách nhiệm của địa phương, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng "Chỉ cần trách nhiệm của Thủ tướng là được"

"Không thêm luật, chỉ cần trách nhiệm của Thủ tướng là đủ"
Đặt câu hỏi chất vấn Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, ĐB Trần Du Lịch (Tp Hồ Chí Minh) hỏi: Có nên làm luật gì đó để phân cấp trách nhiệm trung ương và địa phương. Bởi theo phân tích của ông, các luật hiện nay hầu như chỉ điều chỉnh hoạt động của các cơ quan trung ương.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lý giải: Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức QH, chúng ta đã có phân cấp. Có những việc giao nhiệm vụ để Chính phủ, TW chỉ đạo, phân cấp. Những luật này vừa ban hành, chưa có hiệu lực. Chủ tịch QH cho rằng không cần ban hành luật riêng. Cố gắng tổ chức tốt luật Tổ chức Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo phân cấp để địa phương  làm tốt. 
“Phân cấp gì thì trách nhiệm tối cao cũng vẫn là Chính phủ, là Thủ tướng Chính phủ. Nói đến cùng thì chỉ cần trách nhiệm của Thủ tướng là được. Địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Thủ tướng. QH không cần làm thêm luật này", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.
Trả lời câu hỏi về lỗi cá nhân, lỗi công trong xử lý oan sai, việc bồi thường có phân biệt không, hay cứ lấy tiền ngân sách, tiền thuế bồi thường?. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói: “Tôi nhớ những luật liên quan đến bồi thường có phân biệt khá rõ lỗi nào do cá nhân cố ý, do trình độ của cá nhân, do năng lực; Lỗi nào do công tác tố tụng từ điều tra đến truy tố, xét xử của cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án… Khi xem xét quyết định bồi thường cũng do tòa án. Tòa án là cơ quan xét xử. TA sẽ phân định trách nhiệm của ai.”
Ông cũng lý giải thêm: Luật tổ chức Tòa án, Luật Tổ chức VKS, và tới đây là Luật Cơ quan điều tra đều nói rõ trách nhiệm của từng chủ thể. Cá nhân cố ý làm sai thì không chỉ bồi thường mà còn chịu trách nhiệm khác trước pháp luật.
“Tôi nghĩ luật đã ban hành tương đối đủ, tương đối rõ. Tôi thấy chưa cần đề xuất gì để bổ sung. Nếu quá trình làm có vấn đề gì, chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu thêm.”
Về quy trình ban hành luật, ĐB Trần Du Lịch thấy rằng hiện nay QH làm luật đều Chính phủ đề xuất. Có những  việc nói mãi mà Chính phủ chưa đề xuất. Ví dụ Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh của trên 90% DN VN. Theo ý kiến của ông Trần Du lịch, quy trình ban hành luật chưa tốt.
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch QH cho biết: Theo trình làm luật của chúng ta, Chính phủ, Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chánh án, Viện trưởng, các cơ quan, tổ chức chính trị, và thậm chí là cả cá nhân các ĐBQH đề có quyền yêu cầu ban hành luật. Chính phủ là một chủ thể có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất để trình QH ban hành.
Lý giải vì sao nhiều Luật được ban hành do đề xuất của Chính phủ, chứ không phải là các chủ thể khác, Chủ tịch QH nói: Trong cuộc sống, thực tế đòi hỏi rất trực tiếp từ Chính phủ. Cơ quan này sẽ nắm được yêu cầu thực tế, để trình QH ban hành, từ đó thực hiện nhiệm vụ QH giao trong quản lý nhà nước được tốt hơn. Do vậy, đây là chủ thể chính. Các cơ quan khác, các chủ thể khác đều có quyền. Cũng có những ý kiến đề xuất từ cá nhân, tuy nhiên, cho đến nay, chưa có cá nhân ĐB nào có đề xuất xác đáng. Có thể nhiều người có ý tưởng, nhưng quá trình hoàn thiện quy trình là chưa chín, nên chưa đề ra.”
“Quy định của chúng ta rất rộng, rất dân chủ, đặt trách nhiệm rất cao vào cơ quan, tổ chức. Khi ban hành luật, chúng ta có lấy ý kiến nhân dân. Tôi thấy rằng rất dân chủ. Đề xuất của ĐB Trần Du Lịch là tâm trạng lo lắng, muốn có những bộ luật trọng tâm, trọng điểm hơn. Chúng ta cùng cần nhau hợp tác trong quá trình xây dựng chương trình ban hành văn bản pháp luật, xây dựng chương trình kỳ họp.” – Chủ tịch QH nói. 

Đọc thêm