“Kịch trần” 10 triệu khó "mua" được tin giá trị?

(PLO) - Sau khi Ban Nội chính Trung ương được tái lập, cơ quan này đã có hướng dẫn các Ban Nội chính Tỉnh, Thành ủy trong cả nước thực hiện việc "mua" tin tố giác tham nhũng.
Bị cáo Dương Chí Dũng
Bị cáo Dương Chí Dũng
Thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng là thông tin phản ánh, tố cáo các hành vi tham nhũng được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng 2007 và 2012. Thông tin được thể hiện bằng lời nói, văn bản, giấy tờ, ghi âm, ghi hình, các hình thức cung cấp khác, và phải đảm bảo tính chính xác, có độ tin cậy, có đủ chứng cứ, có thể kiểm tra, xác minh được.
Liên quan vấn đề này, cuối năm 2013 Ban Nội chính Trung ương đã có văn bản hướng dẫn các Ban Nội chính Tỉnh, Thành ủy thực hiện cơ chế này. Ngay sau đó các tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng, Yên Bái, Quảng Ngãi đã thông báo sẽ chi trả khoản tiền từ 500.000 - 10.000.000 đồng/tin để tiếp nhận thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng. 
Nguồn tiền "mua" tin được xác định là khoản kinh phí đặc thù bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước. Ban Nội chính các tỉnh đồng thời cũng cam kết sẽ có trách nhiệm giữ bí mật cho đối tượng bán tin. Đối tượng bán tin là cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện, thông báo và cung cấp tài liệu, chứng cứ được yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin khác liên quan đến mình.  
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương từng khẳng định: “Ban Nội chính Trung ương đã chi tiền cho những tin tố giác tham nhũng có giá trị. Nhờ đó làm sáng tỏ một số vụ án, trong đó có vụ án lớn dư luận đặc biệt quan tâm”. Và còn cho biết thêm, vừa qua khoản “mật chi” trong phòng, chống tham nhũng này đã được thực hiện với khoảng vài chục nguồn tin. Ban Nội chính Trung ương cũng đã chi cho những tin thực sự có giá trị, những thông tin đã góp phần làm sáng tỏ một số vụ án, trong đó có đại án Vinalines. 
Theo một số ý kiến thì mức chi tối đa 10.000.000 đồng/tin tố giác tham nhũng là chưa đủ để khuyến khích người tố cáo và người tố cáo có khi còn cân nhắc sự thiệt, hơn khi quyết định cung cấp thông tin. Vì vậy, nên căn cứ vào giá trị của nguồn tin đem lại cho việc phá án, đặc biệt là việc phát hiện thu hồi tài sản bị tham nhũng mang về cho Nhà nước để từ đó định ra một tỉ lệ phù hợp hơn nhằm thực hiện có hiệu quả giải pháp này.  

 “Chúng tôi đã thực hiện chi với những tin thực sự có giá trị và điều này đã góp phần làm sáng tỏ vụ án. Nhất là trong những vụ án lớn được dư luận đặc biệt quan tâm, nguồn tin mua này đã giúp đẩy nhanh được tiến độ trong truy tố, xét xử. Ví dụ như ở vụ án Vinalines đã có sử dụng nguồn tin mua. Các nguồn tin này đều được chi trả đảm bảo đúng tiến độ, chặt chẽ và đã phát huy hiệu quả..” - Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh.

Đọc thêm