Kiểm soát quyền lực

(PLO) - Thế là vụ việc liên quan đến cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã rõ thêm được ít nhiều kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp “vào cuộc” chỉ đạo. Ngày 18/7 trong văn bản của Văn phòng Trung ương, Tổng Bí thư giao Ủy ban kiểm tra Trung ương tiến hành các công việc thuộc thẩm quyền, trong đó có kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng một cách “khách quan, không chịu bất kỳ một sức ép nào”.
Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng
Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng

Sau 3 tháng “vào cuộc”, tin nóng hổi được phát trên thời sự VTV tối 24/10 và các báo đồng loạt đưa tin là nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cùng một thứ trưởng bị đề nghị kỷ luật vì sai phạm trong bổ nhiệm nhân sự. Bộ Công Thương được yêu cầu thu hồi các quyết định sai trong công tác cán bộ.

Sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng là nghiêm trọng. Theo đó, cá nhân ông Vũ Huy Hoàng có những vi phạm, khuyết điểm, như: Thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai làm kiểm soát viên TCty Thuốc lá Việt Nam; tham gia HĐQT và giữ chức Phó Tổng Giám đốc Sabeco, vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội….

Thế nhưng hình thức xử lý là “nhẹ hều”. Đến mức một đại biểu Quốc hội phải lên tiếng “Phải khởi tố, điều tra để làm rõ trách nhiệm vụ ông Vũ Huy Hoàng”.

Thực ra câu chuyện “sắp xếp cho hậu duệ” không riêng ông Vũ Huy Hoàng mà đã và đang trở thành “hội chứng” từ Trung ương đến cấp huyện. Người dân không đồng cảm với câu nói hồn nhiên của ai đó ngay trên diễn đàn Quốc hội “con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc cho dân tộc”. "Hội chứng hậu duệ” đã trở nên khó chấp nhận. 

Dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất hôm 22/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao nhiệm vụ cho Hội đồng xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực, chống quan liêu, tham nhũng để thực hiện công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. 

Qua câu chuyện ông Vũ Huy Hoàng càng cho thấy cấp bách phải có “cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực”. 

Lịch sử thế giới đã chứng minh mỗi quốc gia chỉ có thể thành công khi việc trao quyền lực được thực hiện một cách đúng đắn, bảo đảm mọi quyền lực thực sự là của nhân dân và có cơ chế kiểm soát để người được trao quyền không bị thoái hóa, biến chất. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, một quốc gia muốn thành công cần phải có phương thức lãnh đạo trao quyền cho những người có đạo đức, có tài năng và cần tập trung kiểm soát quyền lực, bổ sung các cơ chế thực thi dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội.

Đó là yêu cầu cấp thiết vì phát triển, trường tồn! 

Đọc thêm