Kiểm tra, giám sát bầu cử phải thiết thực, tránh trùng lặp

(PLVN) - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh nội dung trên tại phiên họp chỉ đạo về công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 hôm qua (4/3).
Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

Sẽ tổ chức 5 đoàn kiểm tra, giám sát 

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về Kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Dự kiến từ ngày 15/3 đến ngày 13/4 sẽ bắt đầu đợt 1 kiểm tra, giám sát công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo kế hoạch, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức 5 đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử. Mỗi đoàn kiểm tra, giám sát sẽ tổ chức đi kiểm tra, giám sát tại 3 địa phương cấp tỉnh và 1 địa phương cấp huyện ở mỗi tỉnh.

Đoàn sẽ kiểm tra tập trung vào 8 nội dung bao gồm: Việc hướng dẫn thực hiện các quy trình giới thiệu người ứng cử; công tác tuyên truyền về bầu cử; kết quả thực hiện các quy trình giới thiệu người ứng cử; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND và việc nộp hồ sơ ứng cử của người ứng cử, người được giới thiệu ứng cử; việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử…

Theo Ban Chỉ đạo công tác bầu cử UBTƯ MTTQ Việt Nam, việc tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát cần tránh trùng lắp về thời gian, địa bàn với các đoàn kiểm tra, giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan có thẩm quyền. Đoàn kiểm tra, giám sát cần rà soát kỹ những văn bản, tài liệu, hồ sơ của các địa phương, đối chiếu các quy định về bầu cử để đánh giá kết quả, triển khai thực hiện của địa phương theo hướng khách quan, chính xác.

Kịp thời giải quyết vướng mắc

Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo công tác bầu cử UBTƯ MTTQ Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao các ban đơn vị chuyên môn của UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội để triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác bầu cử. Từ đó, tham mưu cho Ban Chỉ đạo công tác bầu cử UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV.

Ngoài ra, các ban đơn vị chuyên môn đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo công tác bầu cử UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức các Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn công tác bầu cử và Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử... Đặc biệt, các ban đơn vị chuyên môn đã bố trí cán bộ tiếp công dân và giải đáp hướng dẫn công tác bầu cử. Sẵn sàng tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh về bầu cử.

Định hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị, Ban Chỉ đạo công tác bầu cử UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục thực hiện việc hướng dẫn, giải đáp cho các địa phương, các tổ chức thành viên về công tác bầu cử; triển khai các đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại các địa phương sau khi kế hoạch giám sát của UBTƯ MTTQ được phát hành. Việc tổ chức các đoàn giám sát phải thiết thực, tránh trùng lặp. 

Qua công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai công tác bầu cử ở địa phương, những vi phạm pháp luật về bầu cử để có biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm khắc phục kịp thời nhằm bảo đảm cho cuộc bầu cử thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của nhân dân.

 Cùng với việc triển khai hoạt động kiểm tra, giám sát, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tập trung chuẩn bị và tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở Trung ương. Thực hiện quy trình lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú; theo dõi, đôn đốc việc xác minh các vụ việc do cử tri nêu đối với người ứng cử ĐBQH.

Người đứng đầu Mặt trận cũng lưu ý các thành viên Ban Chỉ đạo công tác bầu cử UBTƯ MTTQ Việt Nam chú trọng tới việc lưu giữ, tiếp nhận hồ sơ, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện để đảm bảo đúng thời gian hoàn thành hồ sơ của người ứng cử ĐBQH.

Trong đó, Ban Tuyên giáo và các báo, tạp chí của Mặt trận có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng và lập các chuyên mục chuyên sâu về công tác bầu cử; mở chuyên mục hỏi đáp trả lời cử tri. Đẩy mạnh tuyên truyền để đẩy lùi những thông tin sai lệch của các thế lực thù địch, phản động. 

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân vừa ký Nghị quyết số 04/NQ-HĐBCQG của Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết nghị về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết nghị tổng số đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV trong cả nước là 184 đơn vị. Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng được ấn định cụ thể.
Chẳng hạn, Hà Nội có 10 đơn vị bầu cử với 9 đơn vị được bầu 3 đại biểu Quốc hội và 1 đơn vị được bầu 1 đại biểu; TP Hồ Chí Minh cũng có 10 đơn vị với số lượng đại biểu được bầu là 3 người/đơn vị.  H.Thư 

Đọc thêm