Kiến tạo - Không ngại việc lớn, không bỏ việc nhỏ

(PLO) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý các việc mà đại biểu Quốc hội nêu, không chờ có Nghị quyết mới làm như chuyện trẻ em 6 tháng tuổi đã phải đóng tiền xây dựng nghĩa trang hay hiện tượng phí chồng lên phí. Đó là chuyện nhỏ nhưng nếu bỏ qua, hoặc chờ bảo thì mới làm thì đâu phải là một Chính phủ kiến tạo nữa, đó là một chính phủ thụ động.
Kiến tạo - Không ngại việc lớn, không bỏ việc nhỏ

Tương tự, có những việc thấy cần dừng thì phải dừng, không cố đấm ăn xôi cũng là biểu hiện tinh thần cầu thị của Chính phủ kiến tạo, đó là việc dừng áp dụng sách giáo khoa mới vào năm học tới và lùi thời hạn áp dụng tính lương hưu mới. Trường hợp dừng thứ nhất là vì các em học sinh và bố mẹ chúng, trường hợp dừng thứ hai là để chị em phụ nữ nghỉ hưu đỡ thiệt thòi, cả hai trường hợp dừng này đều vì dân cả. Nếu lùi ngày áp dụng để chỉnh sửa cho phù hợp hơn thì đó chính là kiến tạo, còn vẫn nguyên si đem áp dụng thì lại là chuyện khác.

Quốc hội đang bàn đến những chuyện rất lớn như xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam và tất nhiên, người thực hiện không ai khác là Chính phủ. Tính cấp thiết, tầm quan trọng, vai trò thúc đẩy kinh tế,... thì thừa sức thuyết phục, vấn đề là tiền đâu, quay đi, quay lại thì cánh cửa mở ra duy nhất là BOT. Mà BOT thì dân ta không được tin tưởng lắm, đang giữa những lình sình thu phí này, một Trạm đường Thăng Long – Nội Bài “đặt sai chỗ”, yêu cầu gỡ bỏ mới năm nay mà vẫn cứ thu, đột nhiên giờ đề nghị tăng phí lên 4 lần! Một cú đánh rất ngoạn mục vào chủ trương BOT, gây tâm lý hoang mang cho người dân, đưa ra đúng thời điểm Quốc hội họp và nổi cộm rất lớn là BOT. Một chính phủ kiến tạo thì chắc chắn không thể để điều này xảy ra.

Một Chính phủ kiến tạo cũng không thể để cho cơ quan Thanh tra, thanh bảo kiếm của Chính phủ giữ gìn sự trong sạch của bộ máy công chức lại “biến trắng thành đen, kết luận nửa vời” được! Trước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chưa một ai chỉ thẳng thực trạng này của ngành Thanh tra. Với “tư lệnh ngành” mới và một tinh thần kiến tạo, hẳn rằng kiểu kết luận nửa vời, không đi đến tận cùng sự thật như vụ “biệt phủ Yên Bái” không có lý do gì mà tồn tại nữa.

Cử tri rất hào hứng theo dõi các đại biểu tranh luận với nhau tại nghị trường và họ nhận thấy rằng có bóng dáng và dấu ấn của họ tại diễn đàn này. Cử tri càng vui hơn khi tiếng nói của đại biểu, nguyện vọng của nhân dân chẳng những vang lên ở nơi quyền lực tối cao mà còn được Chính phủ tiếp thu và đáp ứng kịp thời!

Đọc thêm