Kỳ họp HĐND các tỉnh, TP: Khắc phục yếu kém để lấy lại lòng tin của người dân

(PLO) - Phiên họp cuối cùng của Kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội đã diễn ra hôm qua (6/7) trong khi cùng ngày, HĐND khoá XIII tỉnh Quảng Ninh đã khai mạc Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng bước vào ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận chung tại hội trường và chất vấn nhiều vấn đề kinh tế - xã hội nổi cộm trên địa bàn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại kỳ họp.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại kỳ họp.

Hà Nội sẽ cải tạo, nạo vét lại Hồ Hoàn Kiếm

“Lãnh đạo TP chưa bao giờ đặt vấn đề  trồng lại cây quanh Hồ Hoàn Kiếm, mà chỉ đặt vấn đề cải tạo, nạo vét lại Hồ Hoàn Kiếm và có 3 hạng mục chính”- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phát biểu như vậy trong phiên họp cuối cùng của Kỳ họp thứ 4 HĐND TP.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, 3 hạng mục chính đó là: Nạo nét, làm sạch nước hồ trên cơ sở bảo tồn văn hóa nước hồ; chỉnh trang ánh sáng, ốp lát vỉa hè đá để đảm bảo bền vững. Hiện, quy trình thủ tục đã được TP giao cho Ban quản lý dự án quận Hoàn Kiếm xin ý kiến để hoàn thiện và TP sẽ công khai để người dân có ý kiến cũng như giám sát trong quá trình thực hiện.

Liên quan đến một số vấn đề khác, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, sau sự cố cá chết ở Hồ Tây, Thường trực Thành ủy đã ra 3 văn bản chỉ đạo, Ban Cán sự UBND TP đã có 5 cuộc họp, trong đó có 2 cuộc họp với các nhà khoa học và các bộ, ban, ngành.

Trên cơ sở thực hiện đã quyết định xây dựng dự án để nạo vét và làm sạch nước Hồ Tây. Thực tiễn phải làm 4 công việc, đó là: nạo vét 1,5 triệu khối bùn; thu gom toàn bộ nước thải Hồ Tây và Trúc Bạch; làm sạch nước Hồ Tây hiện có; cải tạo cảnh quan để đảm bảo Hồ Tây là danh lam thắng cảnh. Hiện, TP đang cố gắng triển khai dự án trong quý III và việc nạo vét bùn sẽ hoàn thành trước Tết Dương lịch.

Về vấn đề cây xanh, ông Chung cho biết, quan điểm nhất quán của Thường vụ Thành ủy chỉ đạo UBND TP và các sở, ban, ngành là đánh giá thực hiện nghiêm túc các dự án chặt hạ, đánh chuyển cây xanh bởi đây là vấn đề được người dân quan tâm.

“Từng dự án, từng cây xanh đều được đánh giá nghiên cứu chi tiết. Những cây nào còn độ phát triển thì đánh chuyển còn những cây không thể phát triển thì mới phải chặt hạ. Ngoài ra, quá trình chặt hạ cũng phải được triển khai rõ ràng, minh bạch, đấu giá bán gỗ công khai để thu hồi vào ngân sách nhà nước. Đối với các cây đánh chuyển phải được trồng lại vào các vị trí thích hợp”- ông Chung nói.

 Người đứng đầu chính quyền TP cũng chia sẻ, TP còn nhiều vấn đề tồn tại như ô nhiễm môi trường, trật tự an toàn xã hội, chính sách với cán bộ cấp cơ sở, trật tự xây dựng… Các vấn đề này đã được UBND TP thẳng thắn nhìn nhận đánh giá và xác định 23 tồn tại để xây dựng thành 21 kế hoạch, có phân công cụ thể cho từng đồng chí, đã báo cáo Thường trực Thành ủy và ban hành kế hoạch triển khai. Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, những năm tới chính quyền TP sẽ khắc phục những tồn tại, yếu kém để lấy lại lòng tin của người dân.

HĐND TP Hà Nội cũng vừa thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn TP.

Theo Nghị quyết này, HĐND TP yêu cầu UBND TP tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, quận, huyện có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục thực hiện hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của UBND TP về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp GCN cho các tổ chức, cá nhân.

UBND TP rà soát, kiểm tra các thửa đất nằm trong các bản án của Tòa án nhân dân các cấp có thẩm quyền đã tuyên thu hồi đất, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân. Kết luận thanh tra kiến nghị thu hồi đất nhưng đến nay chưa thu hồi được, cá nhân các hộ vẫn đang sử dụng trên địa bàn TP, có giải pháp phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tháo gỡ, giải quyết triệt để trong năm 2017.

HĐND TP cũng yêu cầu UBND TP kịp thời sửa đổi điều chỉnh, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, quy định của TP về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất; bán nhà ở thuộc quyền sở hữu nhà nước để đảm bảo phù hợp các quy định của pháp luật đất đai, nhà ở…

Quảng Ninh: Chính sách phát triển kinh tế, xã hội đang phát huy hiệu quả 

Tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá XIII sẽ thông qua 20 nghị quyết, trong đó có một số nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, trong bối cảnh khó khăn chung và một số ngành, lĩnh vực nổi bật của tỉnh Quảng Ninh như ngành than cũng gặp khó khăn nhưng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Những kết quả phát triển kinh tế – xã hội vượt mức kỳ vọng cho thấy, các chính sách  được tỉnh Quảng Ninh thực thi đang bắt đầu cho kết quả tích cực.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng đề ra một số nhiệm vụ quan trọng đối với công tác 6 tháng cuối năm để tỉnh về đích với các mục tiêu quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Theo đó, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là ngành than, các khu công nghiệp, dự án lớn để đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng và đảm bảo thu ngân sách.

Đối với các dự án lớn, là động lực phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Ninh cũng cần phải đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành, như chuỗi dự án Cầu Bạch Đằng, Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cầu Bắc Luân 2. Đối với các nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Đọc cũng nhắc lại thông điệp mà Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần khẳng định đó là tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định về Luật Đất đai, Luật Đầu tư trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh thông qua thu hổi dự án vi phạm nhằm ưu tiên, tạo điều kiện cao nhất cho các nhà đầu tư có năng lực.

Đà Nẵng buông lỏng công tác quản lý khai thác khoáng sản

Thảo luận chung tại hội trường và chất vấn nhiều vấn đề kinh tế - xã hội nổi cộm trên địa bàn, nhiều đại biểu HĐND TP Đà Nẵng nhắc đến công tác buông lỏng quản lý khai thác khoáng sản đang diễn ra trên địa bàn lâu nay và đề nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Vì vậy, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở TN&MT tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực khai thác khoáng sản; HĐND TP đưa vào giám sát chuyên đề về khai thác khoáng sản. 

Đặc biệt, trong phiên chất vấn buổi chiều, nghị trường thực sự “nóng” với các câu hỏi của cử tri gửi đến HĐND TP liên quan đến ô nhiễm môi trường, khai thác vàng “bức tử” sông. Đối với sông Phú Lộc, ông Lê  Quang Nam, Giám đốc Sở TN&MT thừa nhận, ô nhiễm do trong một số thời điểm không kiểm soát được nước thải nên tràn ra sông và gây mùi hôi. Nước thải sinh hoạt vẫn chưa được thu gom, nhà máy xử lý nước thải chưa hoạt động. Từ các nguyên nhân trên, ô nhiễm sông Phú Lộc chưa được xử lý triệt để. Sở TN&MT đã yêu cầu các đơn vị có liên quan nhanh chóng khởi công, vận hành các nhà máy xử lý nước thải trong thời gian tới. 

Vấn đề thứ 2 liên quan đến khai thác vàng ở Khe Đương (huyện Hòa Vang), đại biểu chất vấn cho biết, hiện nay tình trạng khai thác vàng trái phép rất phức tạp. Năm 2008, chọn Công ty Trường Sơn khai thác nhưng đến năm 2015 đơn vị này không gia hạn. Từ đó đến nay, nhiều người khai thác lậu, gây mất an ninh trật tự. Mới đây, Công ty Bông Sen Vàng xin thủ tục khai thác và đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt.

Tuy nhiên, dự án nằm đầu nguồn sông Cu Đê nên người dân lo lắng lượng hóa chất sử dụng trong đào, đãi vàng sẽ “bức tử” con sông, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Sở TN&MT cam kết sẽ thường xuyên giám sát, quan trắc, nếu phát hiện doanh nghiệp sử dụng Cyanua sẽ ngay lập tức thu hồi dự án.

Đọc thêm