Kỳ họp thứ 11 Quốc hội sẽ kiện toàn một số chức danh trong bộ máy Nhà nước

(PLVN) - Ủy ban Thường vụ thống nhất khai mạc kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khía XIV vào ngày 24/3/2021. Kỳ họp này chủ yếu dành thời gian kiện toàn một số chức danh trong bộ máy Nhà nước.  
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị KIm Ngân cho ý kiến tại Phiên họp toàn thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 23/2. Ảnh: VGP
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị KIm Ngân cho ý kiến tại Phiên họp toàn thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 23/2. Ảnh: VGP

Sáng 23/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV với thời gian làm việc dự kiến là 11 ngày. Trong đó có việc xem xét, quyết định vấn đề nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV. Cụ thể, dự kiến tổng thời gian làm việc tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội là 11 ngày, trong đó bố trí 2,5 ngày để xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 và 6,5 ngày xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác. Quốc hội sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 24/3, dự kiến bế mạc vào ngày 7/4.

Trong số các nội dung sẽ báo cáo tại Kỳ họp thứ 11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị KIm Ngân yêu cầu có báo cáo riêng về công tác giám sát hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia (sau gần 1 năm hoạt động), là cơ sở để Hội đồng Bầu cử quốc gia bàn giao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND TP Hà Nội như số lượng của TP Hồ Chí Minh và đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp.

Theo thông lệ, kỳ họp 11 sẽ không tổ chức tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tùy tình hình cụ thể, các Đoàn đại biểu Quốc hội có thể linh hoạt tổ chức để báo cáo, tổng kết hoạt động tới cử tri.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ công việc thực tế từ nay đến cuối nhiệm kỳ, chuẩn bị chu đáo để khi bàn giao, đảm bảo sự tiếp nối như một “dòng chảy” liên tục.

"Theo Luật Tổ chức Quốc hội, những chức danh được bầu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết là có hiệu lực ngay, người được bầu sẽ tiếp cận, điều hành công việc ngay. Tất cả những nhân sự là đại biểu Quốc hội giữ chức danh trong bộ máy Nhà nước và được kiện toàn thay người mới thì vẫn làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội cho tới khi Quốc hội bầu Khóa mới" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.

Dự kiến, tại phiên họp tháng 3/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo về kiến nghị của cử tri và tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội.

Riêng nội dung xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét sau khi có ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền.

Đọc thêm