Kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước: Cao Bằng - căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước

(PLVN) - Năm 2021 diễn ra với nhiều sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, trong đó Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa kết thúc thành công tốt đẹp. Năm nay cũng kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam để đi đến thành công trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (28/1/1941 - 28/1/2021). Và Cao Bằng, mảnh đất “phên dậu” phía Đông Bắc của Tổ quốc, chính là sự lựa chọn của Người để làm nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên.
Bác Hồ viết thư chúc Tết tại Pác Bó. (Ảnh tư liệu).
Bác Hồ viết thư chúc Tết tại Pác Bó. (Ảnh tư liệu).

Mùa xuân năm 1941 - sau 30 năm bôn ba ở ngước ngoài, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, kết thúc chặng đường dài tìm đường cứu nước, hoạt động sôi nổi, đầy khó khăn, hiểm nguy của Người ở nước ngoài, đồng thời mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ chuẩn bị về mọi mặt, tiến tới phát động cao trào Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Xây dựng căn cứ địa

Với lòng yêu nước nồng nàn và ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc, ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng đi Mác-xây (Pháp), bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc luôn theo dõi sát sao tình hình trong nước để tìm thời điểm thích hợp trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng. 

Đầu năm 1940, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mau chóng. Sự kiện Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức (tháng 6/1940) theo Người nhận định “là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Cao Bằng, mảnh đất “phên dậu” phía Đông Bắc của Tổ quốc chính là sự lựa chọn của Người. 

Ngày 28/1/1941 (tức ngày mùng hai Tết Tân Tỵ), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đồng bào Pác Bó - nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự, tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc về nước và chọn Cao Bằng là một sự tính toán kỹ lưỡng liên quan tới triển vọng của phong trào cách mạng cả nước. Với tầm nhìn chiến lược của một vị Lãnh tụ thiên tài, Người đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội tụ đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Tháng 10/1940, khi chính thức quyết định chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. 

Cũng trong thời gian này, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ đi đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 12/1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã gặp Người tại Tĩnh Tây (Trung Quốc), báo cáo với Người về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ VIII và đề nghị Người về nước theo hướng Cao Bằng.

Lời đề nghị trên trùng với nhận định của Người. Trong thời gian chuẩn bị về nước, Người còn tổ chức một lớp huấn luyện chính trị cho 40 thanh niên Cao Bằng yêu nước tại Nặm Quang, Ngàm Tảy (Trung Quốc), làm hạt nhân cho việc xây dựng phong trào cách mạng ở địa phương sau này.

Với nhận định đánh giá và sự lựa chọn thiên tài của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Pác Bó - Hà Quảng - Cao Bằng đã trở thành “đại bản doanh” của căn cứ Việt Bắc, trở thành “cội nguồn”, “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”. 

Tiến tới Tổng khởi nghĩa 1945

Với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, từ ngày 10-19/5/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại lán Khuổi Nặm (Pác Bó, Hà Quảng). 

Một trong những nội dung quan trọng và nổi bật của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5/1941) là kiện toàn cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức, Ban Thường vụ Trung ương, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Trên cơ sở đó, kiện toàn các cấp bộ Đảng từ Xứ ủy đến các cấp bộ Đảng ở các địa phương. 

Tại Pác Bó, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng trực tiếp chỉ đạo công tác thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Minh. Giữa năm 1944, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng, có lợi cho cách mạng Việt Nam. Tháng 8/1944, Trung ương Đảng kêu gọi nhân dân “Cầm vũ khí, đuổi thù chung”. Không khí khởi nghĩa sôi sục khắp nơi. Nhân dân vùng Cao – Bắc - Lạng sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa. 

Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại Cao Bằng với 34 chiến sĩ, có chi bộ Đảng lãnh đạo, do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy.

Chỉ không đầy nửa năm sau ngày thành lập, vừa chiến đấu vừa vũ trang tuyên truyền, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã phát triển lớn mạnh nhanh chóng thành Việt Nam Giải phóng quân. Sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đội quân không ngừng phát triển, trưởng thành, trở thành Quân đội quốc gia Việt Nam và từ năm 1950 đến nay là Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 5/1945, Lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định di chuyển đại bản doanh lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) để thuận tiện cho việc lãnh đạo phong trào chung của toàn quốc. 

Tại Tân Trào (Tuyên Quang), Người chỉ thị thành lập Khu giải phóng Việt Bắc, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Từ Quốc dân Đại hội, Lãnh tụ Hồ Chí Minh kêu gọi Tổng khởi nghĩa. Theo lời kêu gọi của Người, toàn dân ta đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Bài học kinh nghiệm quý báu cho cách mạng Việt Nam

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc vào mùa xuân năm 1941 đã đáp ứng đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng trong nước và sự phát triển của tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc Việt Nam.

Người đã cùng Trung ương Đảng hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam và phát triển đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, tập hợp lực lượng cùng toàn Đảng, toàn dân hướng vào mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc và chính quyền về tay nhân dân; thúc đẩy toàn bộ tiến trình của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, góp phần lan tỏa, lan rộng các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ Bắc kỳ, Trung kỳ cho tới Nam kỳ; cùng với đó là việc củng cố tổ chức, hệ thống Đảng từ Trung ương đến địa phương, tập hợp các lực lượng tham gia vào phong trào đấu tranh cách mạng. 

Đối với quốc tế, quyết định của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi trở về nước cũng là cơ sở quan trọng sau này để Việt Nam củng cố các mối quan hệ với các nước đồng minh chống lại chủ nghĩa phát xít; cũng như tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nước ta giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền và Cách mạng Tháng Tám 1945.

Sự kiện Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho thấy tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài, không chỉ tạo ra bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. 

Đó là bài học về xây dựng căn cứ địa cách mạng; bài học về dự báo và nhận định, đánh giá đúng tình hình, xu thế vận động của cách mạng; bài học về xác định “thời cơ” và chớp thời cơ cách mạng; bài học về xây dựng thế trận lòng dân, tuyệt đối trung thành, ủng hộ, bảo vệ Đảng và cách mạng thành công; bài học về tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi (Mặt trận Việt Minh); bài học về công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trước sự thay đổi của tình hình... Những bài học này có giá trị và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mãi mai sau.

Tròn 20 năm sau khi về nước lãnh đạo toàn dân làm cách mạng, mùa xuân năm Tân Sửu 1961, Bác Hồ trở lại thăm Cao Bằng. Bác về Cao Bằng như trở về quê hương. Đồng bào và cán bộ, chiến sỹ ở Cao Bằng đón Bác - người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước như đón một người thân lâu ngày về thăm quê hương.

Bác xúc động nói: “Tôi về thăm nhà, làm sao lại phải đón tôi!”. Đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng không nguôi nhớ Người và Người không quên một ai từng sống và làm việc với người. Như đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Cuộc đời của Bác gắn bó mật thiết với đất nước Việt Nam, với đồng bào Việt Nam, đặc biệt, với đồng bào Cao Bằng, với núi rừng Cao Bằng, nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên sau bao nhiêu năm xa Tổ quốc. Đó là vinh dự, là niềm tự hào của Cao Bằng”.

Với tấm lòng biết ơn vô hạn, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn luôn trân trọng, giữ gìn những dấu tích quý giá của Bác Hồ đã để lại trên quê hương mình. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm thành phố Cao Bằng; Khu di tích lịch sử Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt; Nhà tưởng niệm - Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.

Đây là những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng để các thế hệ, nối tiếp thế hệ luôn nhìn thấy Bác gần gũi, ghi nhớ công ơn của Bác, nâng cao niềm tự hào và trách nhiệm của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. 

Đọc thêm