Ký ức đau thương từ “khu nhà đói“

(PLO) - “Khu nhà đói” có địa chỉ tại ngách 86, ngõ 559 đường Kim Ngưu (Hà Nội) được xây dựng để tưởng nhớ những người chết trong nạn đói năm (1944 – 1945). Đây là nơi ẩn giật của hơn 2 triệu linh hồn đã chết vì nạn đói năm Ất Dậu. Khu nhà này thường vắng vẻ, chỉ đến tiết tháng Bảy xá tội vong nhân mới đông người đến viếng thăm… 

Ảnh tư liệu về nạn đói ở nhà lưu niệm mà ông Tuyến cung cấp.
Ảnh tư liệu về nạn đói ở nhà lưu niệm mà ông Tuyến cung cấp.

Ký ức đau thương

Sau một hồi hỏi đường lòng vòng, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến đài tưởng niệm linh hồn người chết mà người dân sống xung quanh còn gọi là “khu nhà đói”. Khu nhà đói nằm lọt thỏm giữa các ngôi nhà cao tầng, tuy nhiên khi vào trong thì rất hoang lạnh do rất ít người lui đến.
Khung cảnh nhợt nhạt của buổi chiều trong tháng “cô hồn” khiến anh em chúng tôi có cảm giác lạnh hơn vì số người chết đói quá nhiều (trên bia khắc một con số không nhỏ: hơn hai triệu người chết đói).    
Ông Đặng Văn Tuyến, người phụ trách đài tưởng niệm nói: “Đài tưởng niệm này vẫn vắng lạnh như mọi khi, ít người đến thắp nhang lắm. Chính vì ít người đến nên tôi ghi luôn số điện thoại trước cổng, ai gọi tôi mới đến mở cửa” .
Dẫn chúng tôi lên thắp hương ở đài tưởng niệm, ông Tuyến thở dài: “Khu tưởng niệm được xây từ năm 1951 giữa một bãi đất hoang vu, lau lách um tùm. Trải qua 3 lần tu sửa, qua quá trình đô thị hóa, nay nó nằm lọt thỏm giữa khu dân cư. Trước đây tôi cũng có đề xuất cấp trên về việc mở rộng khu tưởng niệm nhưng vẫn chưa được phê duyệt. Hiện tôi cũng chỉ mong muốn đoạn đường từ Minh Khai vào đây được cắm biển chỉ dẫn có khu tưởng niệm là tốt lắm rồi. Bởi có biển thì người ta mới biết có khu tưởng niệm để mà vào”.
Ông Tuyến dẫn chúng tôi lên thắp hương ở đài tưởng niệm.
Ông Tuyến dẫn chúng tôi lên thắp hương ở đài tưởng niệm. 
Theo ông Tuyến, linh hồn của những người chết đói đã được quy tập về đây. Đài tưởng niệm là do người dân góp công sức xây dựng nhằm nhớ đến nạn đói khủng khiếp năm 1945. Đây là một việc làm đầy ý nghĩa bởi đồng bào ta đói là do phát xít Nhật và thực dân Pháp. Chúng đã thực hiện chính sách vơ vét thóc gạo cộng với thiên tai, mất mùa ở nhiều tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc bộ mới dẫn đến thảm cảnh này. 
Hiểu quá khứ để sống có lý tưởng
Để tìm lại những người đã chứng kiến cảnh chết trong nạn đói năm 1945, chúng tôi đã tìm gặp bà Đàm Thị Miến (88 tuổi) ở ngõ 129 đường Trương Định (Hà Nội). Khi được hỏi chuyện, bà Miến kể: “Tôi quê ở Cát Bi (Hải Phòng), thời gian đó quê tôi đói khát, ra đường đâu đâu cũng thấy người nằm vật vờ, xác chết nằm như ngả rạ. Ngay như cụ thân sinh ra tôi cũng chỉ da bọc xương, đến bữa có cám mà ăn đã là tốt lắm rồi”.  
Theo bà Miến, để chống chọi với cái chết, nhiều lần bà đã phải đi hái rau dại, đào củ chuối, bóc vỏ cây. Trong làng nhà ai có trâu, bò, chó, mèo là đều giết hết. Dân chài lưới thì họ nấu củ nâu, cá chết. Khi không còn gì để ăn thì chỉ có ngồi chờ chết.
Ban đầu người chết còn được mang đi chôn, sau này người chết đói nhiều quá, xác chết chất đầy ở khắp các bụi rậm, tử khí lan khắp các xóm làng, chôn không xuể. 
Trại Giáp Bát (Hà Nội), nơi tập trung những nạn nhân đói năm 1945. Ảnh tư liệu.
 Trại Giáp Bát (Hà Nội), nơi tập trung những nạn nhân đói năm 1945.  Ảnh tư liệu.
 
Đói khổ khiến những người dân quê sống không còn tình cảm hàng xóm, cướp giật, xin ăn chỗ nào cũng có. Cảnh người chết vì đói cực kỳ thảm khốc và đau thương. Cái đói khiến cho cha bỏ con, chồng bỏ vợ, tình cảm họ hàng bị đứt đoạn, đi xin không được thì cướp. Ở vùng quê bà Miến sống, hàng trăm hộ dân chết cả nhà, nhiều dòng họ chỉ một vài người sống sót.
Bà Miến bảo: “Lúc đó nhà tôi còn có cháo để mà ăn, nhưng cứ đến bữa là bố tôi cũng chỉ ăn có nửa bát. Ăn xong bố còn bảo: “Các con ăn đi, bố no rồi”. Thực ra tôi biết bố muốn nhường lại nửa bát cháo cho các con cùng cụ cố”.
Năm đói ấy bà Miến may mắn sống sót vì cụ thân sinh ra bà còn giữ lại hơn chục thùng thóc. Thấy hoàn cảnh đói khổ của mọi người, sau mỗi chuyến buôn gạo từ Hải Dương lên Hải Phòng, bà Miến  bớt lại một ít rồi đem về nấu cháo cho bọn trẻ ăn. Nhưng lũ trẻ đông quá, nhiều hôm nấu nồi cháo chỉ chia cho mỗi đứa một lưng để cầm hơi cũng không xuể. 
Để cứu đói những đứa trẻ mồ côi ở trong làng, bà Miến còn xin cha mẹ hai sào lúa non bán đi để nuôi trẻ mồ côi. “Qua đận đói, những đứa mồ côi mà tôi nuôi được họ hàng cưu mang, có đứa thì đi làm con ở cho nhà người ta”- bà Miến rưng rưng nước mắt nhớ lại.
Nạn đói năm 1945 giống như một vết dao cứa vào trái tim của đồng bào. Vết đau ấy sẽ đi vào những trang sử của dân tộc, đặc biệt với những “nhân chứng sống” như bà Miến sẽ mãi mãi không quên được những tháng ngày đói khổ vật vờ.
Đài tưởng niệm được dựng lên để chúng ta khắc cốt ghi tâm một thời đói khổ, lầm than vì sống dưới ách nô lệ. Xót thương cho hàng triệu đồng bào thiệt mạng vì nạn đói khi thời điểm họ mất chỉ cách một khoảng thời gian không xa trước khi dân tộc ta giành được độc lập vào Cách mạng Tháng 8/1945 dưới sự dẫn dắt tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với những người trẻ như chúng tôi được sống trong thời đại hòa bình hôm nay, thấu hiểu quá khứ đau thương của đồng bào để biết trân trọng hơn những giá trị của cuộc sống hiện tại, biết sống có ý nghĩa và lý tưởng hơn./.

Đọc thêm