Làm báo ở Trường Sa

(PLO) - “Tôi đi nhiều nước trên thế giới, tác nghiệp ở nhiều tỉnh, thành, nhiều địa hình hiểm trở khác nhau, nhưng đến Trường Sa tôi đã khóc. Khóc vì sự thiêng liêng, khóc vì được chạm đến trái tim tận biển của Tổ quốc nơi chân trời sóng gió”, Phóng viên Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) bày tỏ.
Tác nghiệp trên tàu đến Trường Sa.
Tác nghiệp trên tàu đến Trường Sa.

Sự khác biệt của những phóng viên báo chí tác nghiệp ở nơi đầu sóng ngọn gió này không chỉ là những tấm ảnh, cuộc trò chuyện phỏng vấn, hay những thước phim quí giá, mà thêm vào đó là sự thiêng liêng, xúc động vì được chạm tới trái tim của Tổ quốc nơi tận cùng đất nước và được “ba cùng” với những người lính hải quân dũng cảm kiên cường.

Trường Sa được coi như “chân trời” Tổ quốc. Để đến được dải đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió này đã vô cùng khó khăn, nhưng chụp được những bức ảnh sống động, quay được những thước phim độc đáo còn khó khăn hơn nhiều, bởi giữa sóng to gió lớn, giữa cái khắc nghiệt của đại dương, việc tác nghiệp cực kỳ gian khó.

Để có một chuyến hải trình ra Trường Sa làm báo, công việc đầu tiên của mỗi phóng viên là chuẩn bị đồ nghề. Khác với tác nghiệp trên cạn, tác nghiệp ở biển, đảo thường gặp sóng to, gió lớn, do vậy máy ảnh, máy quay phải bọc trong bao bảo quản chống ướt, hoặc “giấu” trong áo làm sao cho tiện tác nghiệp.

Không như ở đất liền, khi tác nghiệp lỡ rơi máy ảnh thì còn nhặt lên được, còn ở Trường Sa, máy ảnh rơi đồng nghĩa với “tay trắng”. Và để có những tấm ảnh chân thực nhất, các phóng viên báo đài phải “lăn lộn” với các chiến sĩ trên tàu. Muốn ghi được tấm ảnh đầu tiên “không đụng hàng”, khi tàu thả xuồng, phóng viên là người xuống trước để “đón lõng”.

Mùa biển lặng, ngồi trên xuồng tác nghiệp đã khó, gặp sóng to, gió lớn, việc tác nghiệp càng khó hơn. Vì vậy không ít phóng viên đã bị sóng “lôi” máy quay phim xuống biển, hoặc bị sóng đánh ướt máy hình. Lúc đó, nước mắt trào ra hòa cùng sóng biển…

Tác nghiệp ở đảo chìm Cô Lin.
Tác nghiệp ở đảo chìm Cô Lin.

Phóng viên Quốc Kiên - Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) nói rằng: “Tôi đi nhiều nước trên thế giới, tác nghiệp ở nhiều tỉnh, thành, nhiều địa hình hiểm trở khác nhau, nhưng đến Trường Sa tôi đã khóc. Khóc vì sự thiêng liêng, khóc vì được chạm đến trái tim tận biển của Tổ quốc nơi chân trời sóng gió”.

Giữa cái nắng cháy da cháy thịt, giữa tận cùng cơn khát, khi chiếc xuồng chuyển tải vừa cặp mép đảo, phóng viên Bích Nga (Báo Gia Lai điện tử) đã nhảy phắt lên cảng và thoăn thoắt leo cầu thang lên đỉnh nóc đảo Cô Lin. Chị giương ống kính về phía 2 xuồng chuyển tải đang rẽ sóng vào đảo để ghi lại những hình ảnh sống động nhất. Còn ở đảo Sinh Tồn, chị đã hóa thân vào chiến sĩ để “cùng vui, cùng làm, cùng hát”.

“Để nắm thông tin một cách chân thực nhất, tôi đã hóa thân như một chiến sĩ Trường Sa. Nếu các chiến sĩ huấn luyện lăn dưới đất, mình sẵn sàng lăn lộn với họ. Trước lúc đi, có nhiều dự định, chụp nhiều ảnh, nhiều ý tưởng viết bài, song khi trực tiếp chạm vào cột mốc chủ quyền và cầm tay chiến sĩ Trường Sa, tất cả dự định hóa thành niềm xúc động vô bờ. Lúc đó, tôi không phải là nhà báo nữa mà là chiến sĩ Trường Sa kiên cường” - phóng viên Bích Nga chia sẻ. 

Còn phóng viên My Lăng (Báo Tuổi trẻ), công việc đầu tiên vào đảo là quan sát và tiếp xúc nhân vật nhưng chị cũng không quên hòa mình cùng chiến sĩ để sẻ chia tình cảm và kể chuyện đất liền. Chính nhờ sự năng động ấy, chị đã ghi được trong đầu khá nhiều “cái tứ” sâu sắc, để rồi sau những giờ “ba cùng”, chị cho “ra lò” những tác phẩm chân thực và sống động nhất. Khi hỏi sự khó nhọc của nhà báo nữ khi đi tác nghiệp ở Trường Sa, một nữ phóng viên Báo Đồng Nai chỉ trả lời ngắn gọn: “Sóng càng to, gió càng lớn, tác phẩm báo chí càng hay, càng chân thực”.

Những phóng viên báo chí đến Trường Sa mỗi người có một tâm trạng, cung bậc cảm xúc khác nhau, tìm cho mình một kiểu tác nghiệp riêng biệt, nhưng có chung niềm xúc động trước những khó khăn, gian khổ và ý chí kiên cường của lính đảo.

Những thước phim cận cảnh, những tấm ảnh chân thực được các nhà báo gửi tất cả tình cảm và niềm đam mê vào đó. Mỗi tấm ảnh, một thước phim là một câu chuyện, một dấu ấn đầy xúc động. Và để có những tấm ảnh đẹp nhất, những thước phim sống động nhất, những bài viết chân thực nhất, những người làm báo đã bất chấp sóng to, gió lớn và gian khổ để tiếp cận đề tài.  

Hàng năm từ tháng 3 đến hết tháng 6, Quân chủng Hải quân tổ chức từ 20-22 đoàn công tác, chở quân, dân chính đảng, thân nhân cán bộ chiến sĩ Trường Sa trên mọi miền Tổ quốc ra đảo Trường Sa; trong đó, có 1/3 là phóng viên, báo đài của các tỉnh, thành Trung ương và địa phương. Đối với phóng viên báo chí, được tác nghiệp ở Trường Sa là kỷ niệm cả đời không thể nào quên...

Đọc thêm