Làm nghiêm khoán xe công để lãnh đạo thực hành tiết kiệm

(PLO) - Việc thực hiện khoán xe công theo Nghị quyết của QH không có vấn đề gì khó khăn khi có quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng để mọi người như nhau bằng ranh giới của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển

Trao đổi bên hành lang QH ngay sau khi dự toán NSNN năm 2016 được thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển đánh giá, việc thực hiện khoán xe công theo Nghị quyết của QH không có vấn đề gì khó khăn khi có quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng để mọi người như nhau bằng ranh giới của pháp luật.

* Trong NQ, QH giao Chính phủ “từng bước thực hiện khoán xe công với một số chức danh”. Cụ thể các chức danh nào sẽ được khoán, thưa ông?

Khoán xe công bàn nhiều lần rồi nhưng đây là lần đầu tiên QH đưa vào NQ. Tuy nhiên phải rất thận trọng tính toán kỹ, có lộ trình thực hiện. Theo tôi, chúng ta phải loại ra, các xe công mang tính chất phục vụ cộng đồng (như công an, quân đội, cứu thương…) thì không thể thực hiện khoán được. Việc khoán chủ yếu là xe cho các chức danh lãnh đạo, song số lượng này cũng không nhiều lắm.

Thực ra, chi phí xe công nhiều là ở chi phục vụ song vẫn phải làm nghiêm, để các đồng chí lãnh đạo góp phần vào việc thực hành tiết kiệm, là tấm gương cho việc tổ chức tốt tiết kiệm chi phí, góp phần sử dụng tốt, hợp lý ngân sách. Chính phủ cũng đã có đề án về vấn đề này và với NQ của QH được ban hành, việc thực hiện khoán xe công tôi cho là không có vấn đề gì khó khăn.

* Năm 2007, QH cũng đã đưa vào NQ vấn đề khoán xe công, nhưng không khả thi. Ông nghĩ sao khi rất ít người xung phong thực hiện nhận khoán xe công?

Phải hiểu là có những chức danh khi làm việc yêu cầu phải có xe công do khối lượng công việc và đảm bảo an toàn. Số lượng đó không nhiều. Nếu khoán xe công là chính sách thì đương nhiên sẽ phải thực hiện. Nhưng phải có quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng để mọi người như nhau bằng ranh giới của pháp luật.

Tôi nghĩ lần này chắc chắn sẽ phải thực hiện, vì chúng ta thấy rằng Chính phủ cũng như QH đã bắt đầu xác định phải cơ cấu lại thu chi, nhất là chi thường xuyên. Thời gian qua tăng nhanh chủ yếu do thực hiện các chính sách an sinh xã hội, còn ngay cả lương cũng chỉ tăng có 5%.

Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách eo hẹp, nếu muốn tăng lương cơ sở thì từng cơ quan, đơn vị phải bố trí lại các khoản chi khác, hạn chế công tác nước ngoài… dành để cho các khoản chi hợp lý như chi lương như đã được thể hiện trong NQ của QH.

* Có ĐBQH cho rằng nên “đóng băng” bộ máy trong vòng 3 năm, để giảm biên chế, giảm chi thường xuyên. Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

Đó là một đề xuất để giữ biên chế, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức. Nhưng thực ra chúng ta đang làm rồi theo nguyên tắc “ra hai vào một”. Nếu kiên trì thực hiện, thì biên chế sẽ không tăng thêm trong và dần đạt đến mức hợp lý. Đối với đội ngũ viên chức, sau này, một số lĩnh vực dịch vụ chuyển sang giá dịch vụ thì bộ máy này cũng sẽ giảm. Đó là lộ trình rất tốt.

* Để tiến tới cân đối NSNN, QH có quyết định giảm chi thường xuyên xuống bao nhiêu % trong những năm tới?

Giảm chi thường  xuyên là chính sách tài khoá, một lộ trình cương quyết. Chuyện cắt giảm chi thường xuyên thì vẫn phải đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, trả nợ… mà những vấn đề này mới làm tăng chi thường xuyên. Do vậy, cần đặt nguyên tắc xuyên suốt, thể hiện rất rõ trong luật NSNN là “chi theo nhu cầu thực tế phát sinh, nhưng phải đảm bảo có nguồn bù đắp thì mới được quyết định”.

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm