Láng giềng nhiều “duyên nợ” Ấn Độ - Pakistan bất ngờ căng thẳng

(PLO) - Quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng nhiều “duyên nợ” Ấn Độ và Pakistan lại tiếp tục căng thẳng vì những vụ xả súng gây thương vong về người dọc Đường ranh giới kiểm soát (LoC) ở khu vực biên giới Kashmir. 
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và người đồng cấp Pakistan Nawaz Sharif.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và người đồng cấp Pakistan Nawaz Sharif.
Kashmir – căn nguyên của những bất đồng
Ấn Độ và Pakistan tuy là hai nước có khá nhiều điểm tương đồng như đều từng thuộc một nước bị thực dân Anh chiếm đóng, sau đó mới tách ra thành 2 quốc gia (theo tôn giáo) từ năm 1947, nhưng cũng kể từ đó, quan hệ giữa hai nước luôn trong tình trạng căng thẳng.
Mấu chốt của những bất đồng trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan là sự tranh chấp ở khu vực biên giới Kashmir do lịch sử để lại. Kể từ khi hai nước được trao trả độc lập, nhân dân hai nước đều coi Kashmir là mảnh đất thiêng liêng, là lãnh thổ bất khả xâm phạm của mình bởi nó có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Chính phủ hai nước luôn dùng Kashmir để tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng trong các cuộc bầu cử. Vấn đề Kashmir giống như chiếc hộp cộng hưởng tất cả các vấn đề tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, nó liên quan đến lịch sử và những đối đầu mang tính tôn giáo, sắc tộc. 
Trong hơn 60 năm qua, hai bên từng có hai cuộc chiến tranh quy mô lớn vào năm 1965 và năm 1999 để giành quyền kiểm soát Kashmir. Căng thẳng leo thang nghiêm trọng tại Kashmir năm 1999 với giao tranh làm hơn 1.000 binh sĩ hai bên thiệt mạng. 
Tuy nhiên, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991, tình hình thế giới và khu vực Nam Á đã có rất nhiều biến động khiến tất cả các quốc gia đều phải tự điều chỉnh chính sách cho phù hợp bối cảnh mới, phù hợp với lợi ích của mỗi nước. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ và Pakistan cũng đã thi hành chính sách ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt và thực tế hơn. Cả hai quốc gia này đều nhận thấy hậu quả lớn nhất mà họ đều phải gánh chịu đó là sự tụt hậu về kinh tế do quá tập trung chạy đua vũ trang. Điều đó dẫn tới vị thế quốc tế của cả Ấn Độ và Pakistan đều bị giảm sút. Do vậy, cả hai nước đều có những biểu hiện mềm mỏng hơn, tạo cơ sở cho những cuộc gặp gỡ chính thức giữa các nhà lãnh đạo của hai bên. 
Tháng 4/2003, Ấn Độ và Pakistan đã tiến hành các bước đi tích cực nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao và bắt đầu duy trì một lệnh ngừng bắn dọc theo LoC dài 720 km, chia vùng Kashmir thuộc dãy núi Himalaya làm hai phần do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát. Mặc dù giữa hai nước thỉnh thoảng xảy ra các cuộc đụng độ nhỏ lẻ nhưng Ấn Độ và Pakistan vẫn tiến hành các cuộc đàm phán để giải quyết triệt để các vấn đề còn tồn tại, đặc biệt là vấn đề Kashmir. Đây được coi như một công cụ để xây dựng lòng tin quan trọng nhất giữa hai nước láng giềng.
Mặc dù vậy, hai bên thường xuyên cáo buộc lẫn nhau vô cớ nổ súng khiêu khích và vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực ranh giới này, gây thương vong cho cả hai phía. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan phản ánh hệ quả tất yếu của mối quan hệ chính trị “xuống cấp” giữa hai nước. Bởi trên thực tế các cuộc đối thoại cấp cao giữa New Delhi và 
Islamabad đã bị đình trệ kể từ sau vụ đánh bom khủng bố đẫm máu ở thành phố Mumbai của Ấn Độ hồi tháng 11/2008, làm hơn 160 người thiệt mạng. Phía Ấn Độ cáo buộc một nhóm phiến quân ở Pakistan đứng sau vụ tấn công khủng bố trên, trong khi Islamabad bác bỏ mọi liên quan đến vụ việc này. 
Sau đó, phải đến tháng 2/2011, tại Hội nghị Cấp cao khu vực Nam Á, Thứ trưởng Ngoại giao hai nước đã có cuộc gặp bên lề và tuyên bố nhất trí nối lại các cuộc đàm phán hòa bình chính thức đầu tiên kể từ sau hàng loạt vụ tấn công Mumbai năm 2008. Đây được xem là một bước đi quan trọng hướng tới việc cải thiện quan hệ giữa hai nước có ảnh hưởng lớn nhất đối với an ninh khu vực Nam Á. Sau sự kiện này, quan hệ hai nước đã dần được cải thiện. 
Binh sĩ Pakistan gác tại Wagah, dọc biên giới Pakistan
Binh sĩ Pakistan gác tại Wagah, dọc biên giới Pakistan  
Đặc biệt, kể từ khi Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif lên nắm quyền vào tháng 5/2013, ông đã tuyên bố sẽ nỗ lực nối lại tiến trình hòa bình với Ấn Độ. Bất chấp thực tế trong năm 2013 vẫn có đến khoảng 200 vụ đấu súng giữa quân đội hai nước tại khu vực Kashmir, hai bên vẫn khẳng định cam kết tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn tại LoC đã đạt được hồi năm 2003.
Sự kiện ông Narendra Modi trở thành Thủ tướng của Ấn Độ đã tiếp tục mở ra tín hiệu tích cực trong quan hệ hai nước khi trong lễ nhậm chức của ông Modi vào tháng 5/2014 đã có sự tham dự của Thủ tướng Pakistan Nawar Sharif. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một vị Thủ tướng Pakistan đến chúc mừng lễ nhậm chức của người đồng cấp Ấn Độ. 
Gần đây nhất, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 15 diễn ra ngày 10/7/2015 tại thành phố Ufa, Tây Nam nước Nga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã có cuộc gặp song phương nhằm thảo luận các biện pháp tháo gỡ bế tắc trong quan hệ giữa hai nước.
Chưa tìm được “tiếng nói chung”
Dư luận thế giới luôn hy vọng những nỗ lực của các quan chức cấp cao hai nước sẽ giúp chấm dứt những trận đấu súng giữa hai bên, song thực tế cam kết ngừng bắn vẫn liên tục bị vi phạm. Hai nước vẫn tiếp tục cáo buộc nhau nổ súng gây ra các cuộc đụng độ dẫn tới thương vong cho cả hai phía. 2014 là năm xảy ra xung đột nhiều nhất, với 563 vụ khiến nhiều người thiệt mạng, hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Từ đầu năm 2015 đến nay, thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên cũng bị vi phạm nhiều lần. 
Binh sĩ Ấn Độ tuần tra tại tuyến biên giới với Pakistan.
Binh sĩ Ấn Độ tuần tra tại tuyến biên giới với Pakistan. 
Phía Ấn Độ cáo buộc trong hai tuần đầu của tháng 7/2015, binh sĩ Pakistan đã gây ra 9 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn dọc LoC, gần đây nhất là vào ngày 15/7 khiến một phụ nữ thiệt mạng và 6 người bị thương. Ấn Độ đã triệu Cao ủy Pakistan tại New Delhi đến để trao công hàm phản đối mạnh mẽ những hành động vi phạm lệnh ngừng bắn dọc LoC. 
Cùng ngày, quân đội Pakistan tuyên bố đã bắn rơi một máy bay do thám không người lái của Ấn Độ vi phạm LoC gần thành phố Bhimber thuộc khu vực do Pakistan kiểm soát và tiến hành các hoạt động tình nghi tại khu vực này. Pakistan cũng đã triệu Cao ủy Ấn Độ tại Islamabad đến để trao công hàm phản đối. Tuy nhiên, phía Ấn Độ đã phủ nhận vụ việc này.
Ngày 17/7, quân đội Pakistan đã đề nghị Nhóm Quan sát viên quân sự Liên Hợp quốc (LHQ) tại Ấn Độ và Pakistan (UNMOGIP) điều tra việc binh sĩ Ấn Độ nổ súng và nã pháo vào phần lãnh thổ do Pakistan kiểm soát thuộc khu vực Kashmir khiến 4 người thiệt mạng và 5 người bị thương.
Trong một tuyên bố, quân đội Pakistan cho biết đã thông báo với UNMOGIP về việc Ấn Độ vi phạm lệnh ngừng bắn và đề nghị cơ quan LHQ điều tra vụ việc. Tuyên bố cáo buộc quân đội Ấn Độ sử dụng pháo cối hạng nặng và súng máy bắn vào khu vực dân thường Pakistan sinh sống dọc LoC.
Tuy đây không phải là lần đầu tiên quan hệ Ấn Độ và Pakistan “tăng nhiệt” nhưng vụ việc này lại xảy ra đúng vào thời điểm tranh cãi ngoại giao giữa hai quốc gia láng giềng ở khu vực Nam Á đang có nguy cơ leo thang. Cuối tháng 6 vừa qua, Ấn Độ và Pakistan đã đình chỉ cấp thị thực ngoại giao cho nhau. Theo truyền thông Ấn Độ, phía Pakistan đã từ chối cấp thị thực cho hai huấn luyện viên Yoga của Ấn Độ và sau đó New Delhi đáp trả bằng cách từ chối cấp thị thực cho quan chức Islamabad.
Trước những diễn biến căng thẳng trên, các nhà phân tích cho rằng mối quan hệ chưa thật sự “nồng ấm” giữa Pakistan và Ấn Độ không chỉ xoay quanh các vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mà còn phản ánh sự thiếu tin cậy giữa hai quốc gia láng giềng. Do vậy, để tìm được “tiếng nói chung” trong việc giải quyết các bất đồng còn tồn tại cũng như xây dựng một cơ chế đối thoại song phương thực sự hiệu quả còn cần nhiều thiện chí của cả hai bên.

Đọc thêm