Lãnh đạo cũng bức xúc, sốt ruột

(PLO) - Diễn tiến động thái của các vị lãnh đạo Nhà nước và địa phương gần đây cho thấy sự sốt ruột trước tình trạng trì trệ của bộ máy hành chính cũng như trước một sự việc cụ thể. 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Chính phủ trong các buổi làm việc với địa phương đều nhấn mạnh “các việc phải làm ngay”, ví dụ với Lâm Đồng “không thể chung chung” hoặc với Hà Nội cần xóa bỏ ngay cái tâm thức “Hà Nội không vội được đâu”, với doanh nghiệp “cần dỡ bỏ rào cản” trong hành lang pháp luật cũng như việc thực thi pháp luật.

Bí thư Hà Nội cũng tỏ ra bức xúc trước sự chậm chạp của “các ông”, tức các cán bộ, công chức với việc giải quyết thủ tục hành chính với dân, với doanh nghiệp.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh thì quyết liệt và thẳng thừng hơn trong việc chỉ đạo và xử lý công việc. Ông ra thời hạn cho việc chặn đứng tội phạm, thời điểm để di dời một nhà máy ô nhiễm, một cái chợ hóa chất độc hại hay trả lại sự trong xanh cho một con kênh. Ông không ngại ngần yêu cầu  cách chức một cán bộ vô cảm, trao ngay quyền tự quyết cho một công ty phần mềm hoặc cho một bệnh viện trong việc đãi ngộ xứng đáng người làm công, ăn lương.

Tuy nhiên, ai cũng thấy rằng sự trì trệ của một bộ máy với tâm lý “thâm căn cố đế” là mặc kệ dân, lãnh cảm trước những bức xúc xã hội của những công chức “cắp ô” thì khó có thể ngày một, ngày hai có thể xoay chuyển được tình thế. Hơn nữa, bị chi phối bởi “lợi ích nhóm” mà người ta cố tình “bẻ cong” pháp luật, gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp, không nghĩ gì đến việc phát triển đất nước mà chỉ chăm chăm cho lợi ích “vinh thân, phì gia”.

Một dẫn chứng như việc bỏ các giấy phép con nhưng nếu vậy “mỗi tháng mất vài chục tỷ” thì làm sao họ có thể dễ dàng từ bỏ điều ấy để phục vụ cho mục đích kiến quốc được!

Ngoài ra, sự trì trệ bắt nguồn từ cái người ta gọi là “quy trình”. Cái quy trình tưởng như chặt chẽ nhưng lại hết sức rối rắm như ma trận. Chỉ đạo từ người lãnh đạo cao nhất thành phố là phải cách chức một anh trưởng phòng một huyện, thế mà mãi không thể cách chức được bởi vì phải làm theo “quy trình”. Cho dù Bí thư có “cho” anh nào đó một cơ chế nhưng để cái cơ chế đó được thực hiện lại phải tuân theo một “quy trình” trói buộc bằng biết bao các quy định, ý kiến của các ngành, các cấp, “không thể vội được đâu”.

Cái quan trọng nhất là các vị lãnh đạo Trung ương hay địa phương đã nhận ra sự trì trệ ấy và quyết không thỏa hiệp với nó. Rồi đây, sẽ có những quyết sách để phá tan sự trì trệ ấy bằng các văn bản pháp quy và bằng cả những chỉ đạo hiện trường có hiệu lực ngay tức khắc nữa. Điều hành, chỉ đạo mà suốt ngày phải “tháo gỡ vướng mắc”, “dỡ bỏ rào cản”, loay hoay đối phó với những phát sinh ngoài mong muốn thì làm sao có sự thay đổi toàn diện và đột phá được!

Đọc thêm