Lãnh đạo tỉnh lấy lại niềm tin người dân

(PLO) - Cuộc giải tỏa bức xúc của nhân dân hai bên cầu Việt Trì (Phú Thọ) đã chấm dứt xung đột gay gắt giữa những người dân ở đây với chính quyền, cụ thể là các lực lượng ngăn cấm dân không được qua cầu. 
Ảnh: VietNam+
Ảnh: VietNam+

Quyết định cuối cùng đã được đưa ra cho phép xe máy và ô tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống được qua cầu Việt Trì sau khi đã sửa chữa. Dù cho doanh nghiệp BOT dọa đóng cửa cầu Hạc Trì (vốn thu phí rất cao 35 nghìn đồng đối với xe 5 chỗ), ngay bây giờ khi có quyết định này họ cũng phàn nàn là lượng xe từ 7 chỗ ngồi trở xuống chiếm 60% xe lưu thông qua đây, e rằng “không thu lại được vốn cho Nhà nước”. Nhà nước, trong trường hợp này đã đứng về phía quyền lợi hợp lý và hợp pháp của dân.

Không cứ cư dân hai bên cầu Việt Trì bức xúc về chuyện thu phí mà hầu như ở tất cả các “mạch máu giao thông” của đất nước đều có những trạm thu phí mọc lên, tiền phí đường còn cao hơn cả nhiên liệu đổ vào xe. Tất cả những thứ đó đều đổ vào đầu dân chứ đâu chỉ là doanh nghiệp vận tải hay phương tiện qua lại.

Rất nhiều tiếng kêu than về sự thu phí đường trên khắp đất nước, kể cả đường làm bằng tiền thuế dân cũng bị thu phí và tệ hơn, chặn các ngả đường để buộc người ta phải đi vào đường thu phí. Tỉnh Bình Dương đi đầu trong cả nước về giải tỏa nỗi bức xúc này bằng cách mua lại các dự án BOT, bỏ trạm thu phí ở một số cung đường và giảm phí ở các cung đường khác. Hoan hô Bình Dương và hẳn đây là việc đáng để các địa phương khác học tập.

Bức xúc không kém chuyện thu phí đường bộ là việc thu hồi đất đai của người dân làm dự án. Tại Quảng Bình, dân đã chặn lại một dự án trong ngày khởi công, Chủ tịch tỉnh đã có mặt tại đây và ông trực tiếp chỉ đạo minh bạch hóa số tiền và đối tượng đền bù. Một loạt các cán bộ từ xã đến huyện đã lộ rõ sự “ăn gian” tiền đền bù cho dân. Điều này cho thấy dân phản ứng là đúng và bản thân ông Chủ tịch Quảng Bình cũng nhận thấy điều đó, ông cho rằng không có người dân nào lại phản đối dự án làm tốt đẹp cho quê hương mình. Ông tin người dân, bởi thế đã có những quyết sách kịp thời, xử lý nghiêm cán bộ khiến lòng dân từ bức xúc, phản đối sang hả hê, đồng thuận.

Đề cập đến chuyện xử lý cán bộ, không thể quên nhắc tới việc mới đây những người gây ra vụ khởi tố quán cà phê Xin Chào đã phải nhận hình thức kỷ luật xứng đáng: Trưởng Công huyện Bình Chánh bị cách chức, một loạt cán bộ công an dính tới vụ việc này bị kỷ luật, Phó Viện kiểm sát và Kiểm sát viên huyện này cũng đã bị kỷ luật trước đó.

Những động thái trên đây là một bước chấn chỉnh tác phong cán bộ, công chức, biểu hiện của tinh thần giữ nghiêm phép nước, đông thời giải tỏa nỗi bức xúc của nhân dân, lấy lại niềm tin của người dân với chính quyền, Nhà nước.

Đọc thêm