Linh hồn các anh hòa vào núi sông trở thành bất tử

(PLVN) - Dù lực lượng cứu hộ, cứu nạn triển khai khẩn trương với tinh thần “Chạy đua với thời gian, tranh thủ từng phút, từng giờ” nhưng do đất đá vùi lấp quá dày, 13 nạn nhân đã tử vong. Những người lính hy sinh giữa thời bình khi dũng cảm băng rừng vào cứu trợ tại Thuỷ điện Rào Trăng 3, Thừa Thiên - Huế trong niềm tiếc thương vô hạn và khâm phục của đồng đội và nhân dân.
Hình ảnh cuối cùng về Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (thứ hai từ phải sang).
Hình ảnh cuối cùng về Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (thứ hai từ phải sang).

Vị tướng “chịu xông pha, không ngại khổ” từ thời còn là cán bộ trẻ

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man là Phó Tư lệnh Quân khu 4. Ông là đại biểu Quốc hội khóa 14, ứng cử tại huyện Minh Hóa, Quảng Bình.  Trưởng thành từ cơ sở, ông Man lần lượt giữ chức Phó chỉ huy trưởng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, Phó Tư lệnh Quân khu 4, được phong hàm Thiếu tướng vào tháng 5/2019. 

Ngày 12/10, sạt lở xảy ra tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đặt tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đoàn cứu hộ được cử vào đây chỉ 2 tiếng sau khi nhận được thông báo.

Dù đất đá sạt lở vùi lấp hết đường đi nhưng khi biết tin nhiều công nhân ở Thủy điện Rào Trăng 3, nằm trong khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền mất tích, Thiếu tướng Man quyết định dẫn đầu đoàn công tác 21 người vào hiện trường cứu hộ. Lúc đó, trời mưa to, tỉnh lộ 71 dẫn vào Thủy điện Rào Trăng 3 có hàng chục điểm sạt lở, bốn con suối nước chảy xiết, rất khó tiếp cận hiện trường. 

Trong tình thương, sự sẻ chia, lo lắng cho đồng bào đang gặp nạn, các anh đã bất chấp hiểm nguy xuyên đêm băng rừng, lội suối để làm sao đến với đồng bào một cách nhanh nhất, làm sao đưa họ ra nơi an toàn một cách nhanh nhất. 

Tại cuộc họp hôm qua (16/10), Thiếu tướng Nguyễn Đức Hóa, Phó Chính ủy Quân khu 4, cho biết Quân khu 4 sẽ chủ trì lễ tang và truy điệu cho 13 sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp cùng các cán bộ địa phương gặp nạn ở Trạm kiểm lâm thuộc Tiểu khu 67, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế.

Dự kiến lễ tang và truy điệu sẽ diễn ra vào ngày mai (18/10) tại TP. Huế. Tại lễ truy điệu sẽ tổ chức để người dân đến đưa tiễn, thắp hương cho 13 cán bộ, chiến sĩ.

Quân khu 4 đã đề nghị tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4; Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và hạng ba cho các sĩ quan khác.

Xét đề nghị của Ban Thanh niên Quân đội, Trung ương Đoàn quyết định truy tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho Thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc (SN 1986), Trưởng ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế và Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường (SN 1991), Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 80 đã dũng cảm hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại các tỉnh miền Trung. 

Trước đó, ngày 15/10, Bộ Quốc phòng đã quyết định truy thăng quân hàm từ Đại úy lên Thiếu tá cho 2 cán bộ này.

23h cùng ngày, đoàn báo về còn cách hiện trường khoảng 13 km. Không thể đi tiếp do đêm tối, mưa to, đoàn vào trạm kiểm lâm Sông Bồ, thuộc tiểu khu 67 nghỉ chân tại dãy nhà cấp bốn, mái tôn, dựa lưng vào núi.

Nửa đêm, sau tiếng nổ lớn, đất đá từ trên núi cao ầm ầm đổ xuống, vùi lấp trạm kiểm lâm 67, 13 người trong đoàn công tác mất tích. Hình ảnh cuối cùng về Phó Tư lệnh Quân khu 4 là quần ống thấp ống cao, ướt sũng đang chỉ đạo chống lũ.

Tại hiện trường, một lượng lớn đất, đá dày 2 đến 3m với khối lượng lên đến khoảng 7,5 hecta đã san lấp khu vực nhà ở của lực lượng kiểm lâm và chảy tràn ra phía đường mòn. Các lực lượng đã nhanh chóng, khẩn trương sử dụng máy múc, máy xúc đổ thu dọn đất đá để tiếp cận vị trí nhà ở…

Sau hơn hai ngày nỗ lực tìm kiếm với lực lượng gồm 1.178 người, 257 phương tiện các loại và 3 chó nghiệp vụ, chiều 15/10, tại khu vực nhà kiểm lâm ở trạm bảo vệ rừng 67, đoàn công tác cứu hộ đã tìm thấy tất cả 13 thi thể cán bộ hy sinh khi cứu nạn Thủy điện Rào Trăng 3 và đưa về Bệnh viện quân y 268, sau đó lễ truy điệu sẽ tổ chức chung tại Nhà tang lễ 268, thành phố Huế.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man có vợ và ba con (hai gái, một trai). Con gái đầu đã tốt nghiệp đại học, con gái thứ hai đang học lớp 12, con trai út học lớp 8. Mẹ của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man năm nay đã 95 tuổi, sống cùng nhà Thiếu tướng. Khi nghe hung tin, gia đình, anh em đã phải giấu, nói đưa mẹ lên anh cả chơi vì sợ cụ bị sốc. 

Trong ký ức của nhiều người, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man là người hiền lành, chất phác, luôn chan hòa, gần gũi với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Trong công việc, ông là người nghiêm khắc, cương trực và luôn xông xáo.

Nỗ lực trong sự lặng lẽ, suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, dù ở vị trí nào, ông cũng đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, luôn sẵn sàng “đồng cam cộng khổ” sẻ chia gian khó cùng đồng đội, cùng nhân dân, là hình mẫu để cán bộ, chiến sĩ học tập.

Bởi phẩm chất đó, nên trong những năm công tác tại Quảng Bình - vùng đất “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, ông luôn có mặt kịp thời ở tuyến đầu, ở nơi nhân dân cần sự trợ giúp của bộ đội để vững lòng vượt qua thiên tai địch họa, dấu chân ông và đồng đội không bỏ sót một vùng đất nào, để làm tròn sứ mệnh mà Đảng và nhân dân đã tin cậy đặt lên vai người lính. Và rồi, ông và đồng đội đã ngã xuống trong nhiệm vụ gian nan và cao cả.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy, Nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 xúc động nói, chúng tôi vốn sinh ra trên dải đất miền Trung đầy khắc nghiệt, thường xuyên bão lũ. Bộ đội luôn đi về phía trước, đầu sóng, ngọn gió để che đỡ nhân dân. Những vị tướng cũng sẵn sàng hy sinh thân mình trong mưa bão để nhân dân được bình yên no ấm. 

Sự hy sinh của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man thật cao đẹp, vì dân, vì nước. Anh đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu giữa thời bình. Vĩnh biệt anh người đồng chí, đồng đội, đồng hương của tôi.

Người ra đi, những ước mơ dang dở

Thượng tá Lê Thanh Phong, Phó trưởng phòng Tác chiến Quân khu 4 chia sẻ, Trước khi đi vào giúp dân vùng lũ Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, Dũng nói với tôi, sau đợt này về có thời gian em sẽ phổ biến cho các anh trong Phòng những kiến thức quân sự sau hai năm học tập tại Liên bang Nga. Vậy mà, dự định chưa thành…

22 năm trong quân ngũ, Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng Phòng Tác chiến Quân khu 4 đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng 3 cùng nhiều phần thưởng, danh hiệu thi đua các cấp và 13 năm liên tục từ 2004 đến 2016, anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

Lực lượng vũ trang phối hợp tìm kiếm 13 người bị nạn.
 Lực lượng vũ trang phối hợp tìm kiếm 13 người bị nạn. 

Gia đình anh Dũng sống trong căn nhà cấp 4 ở xóm 3, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Ngôi nhà vốn xây đã lâu, dịp mưa dài ngày này lại thêm ẩm ướt. Vợ chồng anh Dũng mới có một cháu gái. Vì lý do sức khỏe nên mấy năm nay anh chị đang phải điều trị để sinh thêm. 

Trong tiếng khóc nghẹn lòng, chị Lê Thị Bích Hằng - vợ anh Dũng - nấc nghẹn: “Trước ngày anh đi công tác, anh còn dặn em ở nhà cố gắng bồi bổ sức khỏe để tiếp tục ra Hà Nội chữa trị. Và hai vợ chồng còn dự định, cuối năm nay vay mượn thêm để sửa lại ngôi nhà cấp 4 này”.

Cách đây hơn 1 tuần, Thượng tá Hoàng Mai Vui, Bí thư Chi bộ, Phó trưởng Phòng Xe máy, Cục Kỹ thuật Quân khu 4,  vui mừng thông báo với cơ quan con trai anh là Hoàng Mai Trung Hiếu vừa đậu Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam. Anh đã xin phép cơ quan tạo điều kiện để anh ngày 17 và 18/10 về đưa con trai đầu lòng ra Hà Nội nhập học.

Trưa ngày 11/10, sau khi nhận được tin báo mưa lũ, anh Vui đã tình nguyện lên đường tham gia đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 vào tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt, tìm kiếm cứu nạn. Trước lúc ra đi, anh gọi điện cho con trai và nói, các tỉnh phía Nam Quân khu đang bị ngập lụt, bố phải cùng đồng đội đi giúp nhân dân. Mong sao lũ rút nhanh, bà con an toàn cuối tuần sau bố sẽ về đưa con đi nhập học...

Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đang làm các thủ tục đề nghị cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”, công nhận liệt sĩ đối với 11 quân nhân và 2 cán bộ của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu nạn tại thuỷ điện Rào Trăng 3.

Trước đó, Bộ đã nhận được văn bản của Bộ Quốc phòng đề nghị truy tặng bằng “Tổ quốc ghi công” đối với 11 quân nhân hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai tại Thuỷ điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đề nghị truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” và công nhận liệt sĩ đối với 2 cán bộ của tỉnh hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai tại Thuỷ điện Rào Trăng 3.

Sau khi nhận được đề nghị của Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bộ LĐ,TB&XH đã giao nhiệm vụ cho lãnh đạo Cục Người có công triển khai thực hiện các thủ tục cần thiết và nhanh nhất để trình Thủ tướng Chính phủ.

Hiện Cục người có công đã hoàn tất các thủ tục để trình Bộ LĐ,TB&XH.

Đọc thêm