Loại bỏ các chính sách “cho không”

(PLO) - Đề xuất trên được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững sáng qua (10/3) do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương giảm nghèo bền vững - chủ trì.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo kết quả điều tra sơ bộ các địa phương theo chuẩn nghèo mới, miền núi Tây Bắc là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất với trên 55% tổng số hộ dân, tiếp đến là miền núi Đông Bắc với hơn 29%. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ dưới 10%. Còn lại các khu vực khác có tỷ lệ hộ nghèo từ 12- 24%.

Để thực hiện Chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2016- 2020, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết, việc cần làm lúc này là phải hoàn thành tổng điều tra các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo mới tại các địa phương để có những chính sách hỗ trợ kịp thời. Hiện vẫn còn 5 địa phương chưa hoàn thành tổng điều tra hộ nghèo. 

Bộ cũng đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về giảm nghèo bền vững cho ý kiến sửa đổi một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo theo hướng “loại bỏ các chính sách “cho không” tới đồng bào” để thúc đẩy người được hỗ trợ tự vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào chính sách.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu của Chương trình là giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo; đồng thời tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tại các địa bàn nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm số hộ nghèo bình quân cả nước từ 1- 1,5%/năm, trong đó số hộ nghèo ở các huyện, xã nghèo giảm bình quân trên 4%/năm.

Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đốc thúc các địa phương hoàn thành điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo để cấp có thẩm quyền sớm xác định cơ cấu phân bổ vốn thực hiện Chương trình và xác định địa bàn khó khăn cần phải ưu tiên. 

Chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2016- 2020 gồm 5 dự án thành phần: Chương trình 30a; Chương trình 135; Hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập, đa dạng sinh kế; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Chương trình trong 5 năm tới là hơn 48.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách TƯ gần 41.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 4.490 tỷ đồng; còn lại vốn huy động cộng đồng, doanh nghiệp là 2.030 tỷ đồng. 

Phó Thủ tướng yêu cầu: “Cần phân bổ ngay vốn đầu tư cho Chương trình trong năm 2016 để thực hiện kịp thời trong khi chưa có kế hoạch phân bổ vốn cho cả giai đoạn 2016- 2020”. Các bộ xác định rõ tiêu chuẩn của từng tiêu chí giảm nghèo bền vững để địa phương căn cứ thực hiện. Ngoài ra, các bộ, ngành phân cấp mạnh nguồn lực thực hiện để địa phương phân bổ hợp lý vào các địa bàn cần tập trung đầu tư giảm nghèo.

Đọc thêm