Loại quy định về lãi suất khỏi BLDS là quyết định sáng suốt

(PLO) - Có nên áp trần lãi suất cho vay với hệ thống ngân hàng vẫn là câu hỏi thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội từ Kỳ họp thứ 9 tới Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), việc loại bỏ quy định về lãi suất (LS) khỏi Bộ luật Dân sự (BLDS) và thực hiện theo luật chuyên ngành (là Luật Ngân hàng Nhà nước  - NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng - CTCTD) không chỉ giúp tăng tính công khai, minh bạch trên thị trường tài chính tiền tệ mà còn phù hợp với chủ trương tự do hóa LS của Đảng và Nhà nước đang hướng tới.
Hướng tới sự minh bạch
Phiên thảo luận về BLDS (sửa đổi) vừa diễn ra tại Kỳ họp 10 (Quốc hội khóa XIII) đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các ĐBQH xung quanh quy định về áp trần LS. Hai phương án được đưa ra gồm: Quy định mức LS cố định trong BLDS tối đa 20%/năm và sử dụng LS cơ bản làm tham chiếu, vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. 
Song, việc áp dụng tự do LS và điều hành LS theo quy định của luật chuyên ngành - ở đây là Luật NHNN và Luật CTCTD để xây dựng một thị trường tài chính tiền tệ minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế đã được nhiều ĐB ủng hộ. Bản thân phương án 1 hay phương án 2 của BLDS sửa đổi đều còn nhiều ý kiến trái chiều. 
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (nguyên Thống đốc NHNN), phương án 1 là tối ưu và ông thẳng thắn phản đối việc sử dụng LS cơ bản. Bởi thuật ngữ LS cơ bản là không đúng và đặt ra câu hỏi: Nếu LS cơ bản 0% thì lấy căn cứ gì để xử lý? Theo ông Giàu, thay vì căn cứ vào LS cơ bản, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần căn cứ vào LS cho vay bình quân của 10 ngân hàng thương mại lớn, khi xử lý các tranh chấp liên quan đến LS cho vay. 
Ngược lại với các quan điểm trên, ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp (cơ quan soạn thảo BLDS) lại cho rằng, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án 2, bởi Luật NHNN vẫn quy định LS cơ bản và khi nào thấy cần thiết thì NHNN công bố. Mặt khác, các BLDS trước và hiện hành vẫn lấy LS cơ bản làm LS tham chiếu.  Tuy nhiên, ông Tụng  cũng cho rằng, nếu quy định LS cố định cũng sẽ không đảm bảo linh hoạt, bởi đã ban hành luật thì khó có thể sửa trong ngày một, ngày hai.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, khi thảo luận về nội dung này, ĐBQH, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cũng cho rằng, nếu đi đến cùng của nguyên tắc thị trường thì LS phải được tự do hoàn toàn. Tuy nhiên, để tiến tới tự do hóa LS là cả một chặng đường dài, trong đó yếu tố quyết định chính là sự ổn định của nền kinh tế. 
Một số quốc gia khác trên thế giới đã cho phép tự do cạnh tranh, vì vậy CTCTD sẽ tự động điều chỉnh mức giá hợp lý. Hai bên vay và cho vay có quyền tự thỏa thuận, nếu TCTD nào đòi  mức lãi quá cao, người vay sẽ tìm TCTD khác. Sự cạnh tranh này rất minh bạch. Đây là  mô hình mà Việt Nam sẽ phải học tập và hướng đến.
Không nên dùng biện pháp hành chính
Liên quan đến quy định về LS, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc áp dụng trần LS tại BLDS (sửa đổi) đối với hoạt động kinh doanh của CTCTD là không cần thiết và không hợp lý, bởi có thể hiểu đó là sự can thiệp LS trong hoạt động kinh doanh ngân hàng bằng biện pháp hành chính. 
“Sự can thiệp hành chính này trái với những nguyên tắc thị trường và không phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam về cải cách hệ thống ngân hàng, khi gia nhập WTO, các thỏa thuận tại Hiệp định TPP…”, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu rõ. 
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cũng phân tích, các LS tham chiếu được đưa ra lấy ý kiến như LS cơ bản, LS tái cấp vốn… chủ yếu là công cụ điều hành chính sách tiền tệ, là những LS không phổ biến với người dân, nên NHNN đề xuất ấn định mức LS cứng là 20%/năm của khoản tiền vay trong Dự thảo BLDS. 
Tuy nhiên, nếu theo Dự thảo thì LS này được quy định cho hợp đồng dân sự về cho vay tài sản, theo đó hướng đến việc vay mượn tài sản vật chất nhiều hơn là vay mượn tiền. Vì vậy, các mức LS quy định ở đây là gắn với hợp đồng vay tài sản, không nên bao trùm cả hoạt động ngân hàng. 
Từ thực tế này, NHNN đề xuất nên điều chỉnh quy định theo hướng chỉ áp dụng mức trần LS 20%/năm đối với các quan hệ dân sự ngoài ngân hàng, loại trừ áp dụng với các ngân hàng đã hoạt động theo Luật CTCTD. Bởi trên thực tế, Luật CTCTD đã quy định CTCTD được phép thỏa thuận LS theo quy định của pháp luật, còn Dự thảo BLDS đang quy định trần LS nhưng “trừ trường hợp các luật khác liên quan có quy định khác”. Như vậy có thể hiểu rằng, Luật CTCTD quy định là ngân hàng được thoả thuận LS thì BLDS cũng cho phép.
Vì vậy, việc loại bỏ quy định về LS khỏi BLDS sẽ là một trong những quyết định sáng suốt của Quốc hội trong việc xây dựng một hệ thống pháp luật công bằng, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế. 
Tại phiên thảo luận lấy ý kiến về BLDS vừa qua, ĐBQH Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật đã đề nghị Thường vụ Quốc hội nghiêng về phương án 1, bởi nếu căn cứ vào những năm lạm phát cao thì LS cho vay đều ở mức 15-16%. 
Thêm vào đó, NHNN giải thích rằng họ quy định LS cơ bản là để điều chỉnh chính sách tiền tệ, điều tiết vĩ mô chứ không phải để BLDS dẫn chiếu và áp dụng. “Ngân hàng giải thích và đề xuất như trên là hợp lý”, ĐB Ngô Văn Minh khẳng định.  

Đọc thêm