Lốc xoáy kinh hoàng tàn phá thị trấn Cờ Đỏ

(PLO) - Sau cơn lốc xoáy khủng khiếp vào sáng 30/7, người dân ở thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) đã dần “hoàn hồn”, bắt tay vào công việc dọn dẹp những đống đổ nát hoang tàn để tiếp tục cuộc sống thường ngày. Nhưng nỗi kinh hoàng vẫn ám ảnh trên gương mặt, lời nói và hiện trường đổ nát ngổn ngang sau cơn lốc được người dân đánh giá là lớn nhất trong gần trăm năm qua.
Quân và dân cùng nhau thu dọn đống đổ nát
Quân và dân cùng nhau thu dọn đống đổ nát
Khoảng 7h ngày 30/7, một cơn lốc kinh hoàng đã kéo đến thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ). Cơn lốc có sức tàn phá khủng khiếp, kéo sập và làm tốc mái 141 căn nhà, trong đó 61 căn nhà bị sập hoàn toàn. Nhiều trụ điện bị gãy đổ, một số trụ sở cơ quan của địa phương cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Rất may không có thiệt hại về người, đa số người dân chỉ bị xây xát nhẹ. 
Cơn mưa nhỏ ập đến sau lốc xoáy khiến không khí ở nơi xảy ra thiên tai càng thêm thảm thương. Tại thị trấn nhỏ này, cảnh tượng đổ nát, hoang tàn hiện hữu ở khắp nơi. Cây cối, dây điện, mái tôn… ngổn ngang. Ông Nguyễn Bá Tâm (ở ấp Thới Thuận) cho biết: “Cơn lốc đến rất nhanh và mạnh. Gió hai luồng trước và sau cùng kéo đến, cây cối ngã đổ, mái nhà tôi bị cuốn phăng đi. Cũng may nhà tôi xây tường khá kiên cố nên không bị ảnh hưởng. Nhưng cái quán của tôi xây kế bên thì sập. Giông gió cũng cuốn bay luôn cái tivi và tủ. Dây điện bị đứt hết toàn bộ. Thiệt hại của gia đình trong chớp mắt khoảng 70 triệu đồng”. Ông Tâm kể tiếp: “Lúc giông gió ùa tới, nhỏ cháu tôi đang nằm trong quán. Lúc quán sập xuống tôi chỉ biết kêu trời, tưởng nó bị đè chết rồi, may là nó nhanh chân chạy kịp ra ngoài nên chỉ té, bị thương. Cả nhà tôi được an toàn, không ai việc gì cả. Như thế là mừng lắm rồi”.
Còn ông Nguyễn Văn Tùng (SN 1957, ngụ ấp Thới Hiệp) nheo mắt kể lại: “Tôi nhớ cách đây khoảng 40 năm, tôi có chứng kiến một trận lốc cũng gần như thế này nhưng nhẹ hơn. Lúc đó tôi từ bên Lai Vung (Đồng Tháp) trở về. Gần đến nhà thì nghe gió rít phía sau, hoảng quá chỉ biết nhảy xuống mé mương trú. Nhìn lên trời thì thấy cây cối, gà vịt bay tứ tung. Lúc đó nhà cửa thưa thớt nên thiệt hại cũng không nặng nề như bây giờ. Đến nay, sau mấy chục năm tôi mới thấy được cơn lốc còn dữ dằn hơn thế nữa”.
Ông Tùng sống cùng với người con trai trong một căn nhà nhỏ nằm sâu trong ấp Thới Hiệp. Khi cơn lốc đến, nhìn thấy mái nhà rung bần bật, hai cha con chỉ biết chạy ra khỏi nhà rồi chết điếng nhìn nhau. Ngôi nhà vốn đã quá ọp ẹp, nay bị lật đổ luôn, còn lại một đống đổ nát. Hai cha con ông Tùng ngao ngán, thất vọng như không thiết tha dựng lại nữa.
Ấp Thới Hiệp (thị trấn Cờ Đỏ), nơi khởi đầu của cơn lốc, nằm cách trung tâm thị trấn khoảng 2km, đường giao thông lại rất khó khăn nên người dân càng lâm vào cảnh bi đát. Vợ chồng bà Nguyễn Huệ Anh, ông Lê Thanh Việt đều đã 67 tuổi, con cái đều bươn bải đi xa mưu sinh, hai thân già nương tựa vào nhau. Gia cảnh đã khó khăn, nay nhà cửa lại tan hoang hết khiến ông bà lâm vào cảnh bần cùng. 
Bà Huệ Anh vẫn chưa hết bàng hoàng cho biết: “Sáng hôm đó, tôi vừa bước ra khỏi cửa thì nghe gió gầm rú dữ lắm. Nhìn lên trời thì thấy tôn lợp mái nhà bay vù vù. Tôi hoảng quá chưa kịp lên tiếng gọi chồng thì lốc đã ập đến, căn nhà tôi bị tốc lên hết sức dễ dàng. Chồng tôi lúc đó chưa kịp ra khỏi nhà nên bị cột nhà đổ đè vào chân. May mắn là không ai bị thương, hai vợ chồng tôi nhìn nhà cửa rồi chỉ biết nhìn nhau khóc”. 
Hiện, những người con của ông bà đã vội vã trở về. Cả nhà lại tất bật với công việc dựng lại chỗ ở mới. Dưới những tấm bạt được dựng lên tạm bợ, cả nhà năm, sáu người ngồi thẫn thờ, khuôn mặt vẫn chưa hết lo âu.
Hoàn cảnh bà Nguyễn Thị Hường (76 tuổi) ở cạnh bên còn đáng buồn hơn. Người phụ nữ này không có chồng con, sống thui thủi một mình. Cơn lốc ập đến trong chớp mắt đã cuốn bay luôn cả căn nhà của bà. Khi lốc đến, bà chỉ biết ôm đầu la hét trong tuyệt vọng. Trên nền của ngôi nhà đã sập đổ hoàn toàn, lực lượng công an huyện đã kịp thời hỗ trợ, dựng cho bà những tấm bạt che đồ đạc trong nhà. Nhìn bà cụ già ốm yếu sống lặng lẽ một mình, nay lại gặp cảnh thiên tai, những người chứng kiến không khỏi xót xa.
Theo anh Công Bảo Đương, một cán bộ công an huyện Cờ Đỏ, liên tiếp 3 năm trở lại đây, thị trấn luôn phải đón những cơn lốc xoáy, nhưng không bằng một phần nhỏ của cơn lốc lần này. Cái nguy hiểm của những cơn lốc là không thể dự báo trước. Lốc đến rất nhanh và sức tàn phá cũng rất khủng khiếp, người dân không thể đề phòng được.
Ông Lê Văn Thơ, Trưởng Công an huyện Cờ Đỏ cho biết, đến nay công tác khắc phục hậu quả bước đầu coi như đã hoàn tất. Những hộ gia đình bị sập nhà, tốc mái được sắp xếp chỗ ăn ở tạm thời ở một số cơ quan có điều kiện. Ngoài ra, đối với một số hộ có nhà bị sập hoàn toàn, các cán bộ công an đã chung sức dựng những căn lều ở tạm, hỗ trợ gia đình vượt qua những khó khăn trước mắt. Số nhà bị sập và tốc mái rất lớn nên công tác xây dựng lại không thể một sớm một chiều mà hoàn tất được.
Ông Mai Thiện Quế (ấp Thới Trung) là một trong những hộ gia đình có người bị thương kể lại: “Khoảng 7 giờ 10 phút, tôi đang đứng trong nhà thì nghe tiếng gió rít hù... hù, cơn lốc kéo đến, tôi nhìn lên trời thì thấy miếng tôn của mấy nhà khác bay loạn xạ, cây cối bị cuốn bay. Tôi và mọi người trong nhà chưa kịp định thần thì mái nhà bị giật đi, vài người bị té xuống rồi cây đè. Không ai trở tay kịp. Cha tôi lúc đó đang ở ngoài sân. Ông bị tai biến mạch máu não không đi đứng được nên phải ngồi xe lăn. Lốc đến cuốn ông đi xa chừng 5m rồi rớt xuống đất. Tôi nhìn thấy nhưng không làm sao cản được. Đầu cha tôi bị giập, chảy máu nhiều nên phải đưa ông đến bệnh viện cấp cứu. Tôi sống mấy chục năm rồi nhưng chưa từng thấy cơn lốc nào lớn đến thế”.

Đọc thêm