Lời cảnh báo người lạm dụng chức vụ, quyền hạn 'bóp méo' pháp luật

(PLO) - Những cán bộ ngành Kiểm sát, Công an gây ra oan sai đối với người tố cáo “cát tặc” ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã bị xử lý kỷ luật.
Trưởng Công an huyện Bình Chánh (TP HCM) bị cách chức vì có liên quan đến vụ quán "Xin Chào".
Trưởng Công an huyện Bình Chánh (TP HCM) bị cách chức vì có liên quan đến vụ quán "Xin Chào".

Mới đây, Thượng tá, Phó Công an huyện và Điều tra viên gây ra vụ này đã bị cách chức. Đáng chú ý là trường hợp ông Thượng tá, cách chức xong cho về hưu luôn (đã đến tuổi), chứ không đợi về hưu rồi mới cách chức hoặc làm theo cách phổ biến là lờ đi, “xử lý nội bộ” rồi cho về hưu để… yên chuyện (dù chuyện này xảy ra vào tháng 4/2015 giờ mới xử lý thì không được kịp thời cho lắm!).

Sau Đại tá, Trưởng Công an huyện Bình Chánh (TP HCM) bị cách chức thì đến trường hợp của ông này, đủ thấy ngành Công an đã siết chặt kỷ luật và không nương tay đối với những cán bộ làm xấu đi hình ảnh của ngành. Đây cũng là lời cảnh báo đến những ai lạm dụng chức vụ, quyền hạn để “bóp méo” pháp luật.

Khác với các trường hợp lấy việc “đúng quy trình” để bảo lưu cho những quyết định bổ nhiệm, tại Cà Mau vừa qua đã phải thu hồi Quyết định bổ nhiệm Giám đốc và Trưởng phòng ở Công ty Cấp nước TP. Những ông này đang có những sai phạm chờ xử lý mà vẫn được cất nhắc. Trước dư luận và tố cáo của các cán bộ, nhân viên trong cơ quan, người ra quyết định bổ nhiệm các ông buộc phải rút lại, thừa nhận là “chưa đúng quy trình”. Việc rút như vậy là kịp thời như rút mồi lửa khỏi đống cỏ khô, có thể ngăn chặn được những hậu họa tiếp theo.

Kết quả của một bài báo phản ảnh nạn “chảy máu” pơ-mu ở Trạm Tấu (Yên Bái) đã khiến 13 cán bộ, kể cả ngành kiểm lâm và địa phương bị kiểm điểm và sẽ phải nhận những hình thức kỷ luật thích đáng. Đây cũng là lời nhắc nhở đến các vụ phá rừng lớn mà loanh quanh mãi không “chỉ mặt, vạch tên” được thủ phạm. Làm “ra ngô, ra khoai” một vụ phá rừng quy mô lớn sẽ lộ mặt những kẻ và thế lực đứng sau thì mới hạn chế được nạn phá rừng tràn lan hiện nay.

Đó là những vụ được xử lý, song còn rất nhiều vụ mà “lá bùa” “xử lý nội bộ” còn rất hiệu nghiệm. Ví dụ, Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa cấp 6 tỷ đồng để nạo vét kênh mương nhưng thực ra số tiền đó kê khống đến 90%. Hoặc, như việc bán giấy phép đạt tiêu chuẩn cho sản phẩm lưu hành trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản xảy ra thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thu lợi bất chính cũng khoảng 6 tỷ đồng. Đúng ra, đây là các dấu hiệu phạm pháp hình sự nhưng chưa được xử lý rốt ráo, gây bất bình dư luận. Mới nhất là tại Hải Phòng, dàn nhạc nước trị giá 24,5 tỷ đồng phải dỡ bỏ. Những ai là “tác giả kịch bản”, “công trình sư”, “nhà thi công” công trình biểu tượng cho sự lãng phí này đâu, không thấy xuất hiện?

Không sợ tình trạng “kỷ luật hết thì lấy ai làm việc” cũng như phải từ bỏ cái não trạng “không kỷ luật ai là tốt”, đồng thời triệt tiêu cái biện pháp “giơ cao, đánh khẽ” trong công tác quản lý cán bộ. Càng siết chặt kỷ luật, xử lý nghiêm khắc các vi phạm của cán bộ thì đội ngũ càng mạnh thêm, chắc chắn là như thế!.

Đọc thêm