Lời hứa vị Bộ trưởng và những giọt nước mắt...

(PLO) - Lời hứa của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung đã và đang được ngành LĐTB&XH nỗ lực thực hiện. Nhiều giọt nước mắt vui mừng đã rơi trên những gương mặt sau bao tháng năm đợi chờ…
Cụ Nguyễn Minh Đức, con trai liệt sĩ Nguyễn Ngọc Gấm: “Được cầm tấm bằng này tôi mãn nguyện lắm, sống đến giờ cũng chỉ mong có thế”.
Cụ Nguyễn Minh Đức, con trai liệt sĩ Nguyễn Ngọc Gấm: “Được cầm tấm bằng này tôi mãn nguyện lắm, sống đến giờ cũng chỉ mong có thế”.

Trước đó, trong phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 18/4/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung nhấn mạnh vấn đề quy tập và xác định danh tính liệt sĩ là vấn đề day dứt, đau lòng nhất và hứa cố gắng phấn đấu làm càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt, bởi chiến tranh đã qua lâu, nếu không nhanh thì cơ hội càng ít. 

“Được cầm tấm bằng này tôi mãn nguyện lắm, sống đến giờ cũng chỉ mong có thế”

Cụ Nguyễn Minh Đức ở Hoài Đức, Hà Nội năm nay đã 88 tuổi. Nhưng dường như tuổi tác không cản được bước chân của cụ cố gắng đi lên sân khấu một cách nhanh nhẹn nhất để nhận tấm bằng Tổ quốc ghi công của người cha đẻ là liệt sỹ Nguyễn Ngọc Gấm. Không vui sao được khi sau 30 năm làm hồ sơ để được công nhận liệt sỹ và sau hơn nửa thế kỷ kể từ khi liệt sỹ Nguyễn Ngọc Gấm hy sinh, người con trai của liệt sĩ là cụ Nguyễn Minh Đức mới được nhận tấm Bằng Tổ quốc ghi nhận công lao của cha mình.

Xúc động nghẹn ngào, cụ Đức chia sẻ: “Được cầm tấm bằng này tôi mãn nguyện lắm, sống đến giờ cũng chỉ mong có thế. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã truy tặng, công nhận, vinh danh cha tôi và những liệt sỹ khác trong những ngày tháng 7 hào hùng này”. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng cụ Nguyễn Minh Đức vẫn nhớ như in những ngày tháng lịch sử.

Thân sinh của cụ là Nguyễn Ngọc Gấm từng tham gia Trung đoàn 48, năm 1946, nhưng do sức khỏe yếu, nên được đơn vị cử về địa phương hoạt động bí mật. Đến tháng 10/1950, Nguyễn Ngọc Gấm bị chỉ điểm, địch phát hiện rồi đào tung hầm nơi liệt sỹ ẩn náu để giết hại. Nguyễn Ngọc Gấm khi ấy đã anh dũng cầm lựu đạn tự sát và tiêu diệt quân địch.

Theo cụ Đức, cùng chiến đấu với thân sinh của cụ năm xưa còn 13 người khác, nhưng đã đều được công nhận liệt sỹ từ lâu, duy chỉ có trường hợp của gia đình cụ, do thất lạc giấy tờ gốc nên chưa được vinh danh. Bao năm qua, cụ Đức cùng con cháu kiên trì, tìm lại mọi giấy tờ thất lạc để cha, ông, cụ Nguyễn Ngọc Gấm được công nhận là liệt sỹ. Và cuối cùng thì ngày vinh dự ấy cũng đã đến, cho dù con trai của người liệt sĩ đã đến gần chặng cuối của cuộc đời…

Người cùng tâm trạng như cụ Nguyễn Minh Đức là ông Nguyễn Văn Nam, con trai liệt sỹ Nguyễn Văn Hường. Ông Nam lặn lội đường sá từ Điện Biên về Hà Nội để nhận Bằng Tổ quốc ghi công cho người cha đã hy sinh. Cầm tấm bằng trên tay, ông Nam kể, đến nay ông cũng chỉ biết đến mặt cha qua những bức ảnh còn sót lại. Khi liệt sỹ Nguyễn Văn Hường hy sinh năm 1960, ông Nam mới tròn 6 tháng tuổi.

Cụ Nguyễn Minh Đức và ông Nguyễn Văn Nam là 2 trong số 498 thân nhân các liệt sỹ thuộc Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng và 36 tỉnh, thành phố vừa được Bộ LĐTB&XH trao Bằng Tổ quốc ghi công hôm 18/7 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ. Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, trong số 498 liệt sĩ được trao Bằng công nhận có 94 cụ đã hy sinh từ thời kỳ chống Pháp cách đây hơn 70 năm đến nay mới được công nhận liệt sĩ.

Có trường hợp như cụ Đặng Văn Tiết ở Long An, bị địch bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh cách đây 75 năm không có một giấy tờ gì. Cơ quan chức năng đã xác minh thông tin tại nhà tù, đồng thời được sự tôn vinh của các bậc lão thành cách mạng và nhân dân, qua đó đã lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ.

Các cụ Lê Văn Ý, Nguyễn Văn Khóa ở An Giang hy sinh từ năm 1945, hồ sơ được xác lập từ những năm 1976, 1977 nhưng đến nay mới được xem xét; hoặc như ở Hải Phòng, có 21 cán bộ Việt Minh bị giặc Pháp bắt và bắn chết từ năm 1948, nhưng trước đây chỉ mới công nhận liệt sĩ cho 9 cán bộ; 12 cán bộ còn lại mãi đến nay mới được xem xét, công nhận và còn rất nhiều trường hợp cá biệt khác.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại hiện trường khai quật hố nghi chôn tập thể các chiến sỹ bộ đội hy sinh trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất Tết Mậu Thân năm 1968.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại hiện trường khai quật hố nghi chôn tập thể  các chiến sỹ bộ đội hy sinh trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất Tết Mậu Thân năm 1968.

Không để bất cứ người có công nào không được hưởng chế độ

498 thân nhân đón nhận niềm vui nhưng vẫn còn rất nhiều liệt sĩ, thân nhân, người có công chưa được xác định, xác nhận, truy tặng, ghi công, đúng như lời tâm sự của “người trong cuộc” – ông Nguyễn Văn Nam con trai liệt sĩ Nguyễn Văn Hường: “Vẫn có hàng nghìn những liệt sỹ khác đã hy sinh, họ vẫn chưa được công nhận là người có công với đất nước, thân nhân của họ cũng chưa được hưởng những chính sách của thân nhân người có công. Tôi hy vọng rằng Đảng, Nhà nước sớm tìm và truy tặng bằng khen cho thân nhân những gia đình như vậy”. Vì thế, nỗ lực phấn đấu làm càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt của ngành LĐTB&XH là rất cần thiết.

Trả lời báo chí về nỗ lực của ngành LĐTB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, xuất phát phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, Bộ LĐTB&XH đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát số hồ sơ tồn đọng.

Từ việc triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại 5 địa phương Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An qua đó rút kinh nghiệm triển khai toàn quốc, tính đến ngày 30/6/2017, Bộ LĐTB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 42.000 Bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận trên 2000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Từ đầu năm 2017 tới nay, các đội quy tập liệt sĩ đã đưa về nước hơn 10.000 hài cốt liệt sĩ. Bộ LĐ-TB&XH đang cùng các bộ, ngành liên quan thực hiện giải pháp xác định gen. Riêng năm 2016, thông qua việc xét nghiệm trên 12.000 mẫu sinh phẩm liệt sĩ và mẫu tương đương của gia đình, qua đó giúp trả lại danh tính cho hơn 3.000 liệt sĩ…

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong công tác xử lý những hồ sơ tồn đọng, đối mặt với những câu hỏi về tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn, ngành LĐTB&XH đã yêu cầu các địa phương phải bằng mọi cách tích cực nhất, khai thác tối đa các nguồn thông tin từ nhiều kênh khác nhau. Nhiều nơi đã phải thu thập thông tin từ hồ sơ để lại của các nhà tù của địch trước đây hoặc từ những tài liệu, sổ sách, những quyển nhật ký và mọi giấy tờ có liên quan.

Có nơi như tỉnh Long An, Vĩnh Long, An Giang phải tổ chức họp hoặc đến tận nhà xin ý kiến các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ. Có trường hợp để công nhận liệt sĩ hôm nay, tổ chức và địa phương đã phải xác minh tại 3 quân khu, 4 địa phương. Những hồ sơ còn có những điểm chưa rõ hoặc thiếu cơ sở vững chắc đều được tổ chức xác minh làm rõ và kết luận. Tất cả danh sách đề nghị công nhận liệt sĩ đều được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, trước hết là các bậc lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, những người hoạt động kháng chiến, các cụ cao niên và được niêm yết, đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp xã cho đến cấp tỉnh và trung ương.

Tất cả những trường hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công đều đạt sự nhất trí hoàn toàn của các đại biểu tham dự trong tất cả các cuộc họp và đến nay không có bất kỳ ý kiến nào khác qua niêm yết, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng các cấp… 

“Bộ LĐ-TB&XH xác định vừa làm, vừa điều chỉnh để phấn đấu hoàn thành lời cam kết với nhân dân là năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh tồn đọng ở cấp tỉnh và lực lượng quân đội, công an. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành căn bản việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh. 

Theo thống kê của Bộ LĐTB &XH, năm 2002, cả nước đã xác nhận được trên 6 triệu người có công, đến năm 2017, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu lượt người có công, trong đó: Liệt sĩ: gần 1.2 triệu người (năm 2002 là khoảng 1,1 triệu người); Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: trên 127.000 người (năm 2002 là khoảng 42.500 bà mẹ);
Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động: gần 1.300 người (năm 2002 là gần 1200 người); thương binh và người hưởng chính sách như thương binh: gần 800.000 người (năm 2002 là khoảng gần 400.000 người); người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học: gần 312.000 người (năm 2002 đối tượng này chưa phải là đối tượng người có công theo quy định của Pháp lệnh, năm 2012 là khoảng 186.000 người); người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: gần 111.000 người (năm 2002 là khoảng 53.400 người).
Công tác tìm kiếm, quy tập liệt sĩ; xác định danh tính liệt sĩ; việc xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, các công trình tưởng niệm liệt sĩ được chủ động và đạt kết quả tích cực, hiện cả nước có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ và từ năm 2005 đến nay đã tìm kiếm, quy tập được trên 70.500 hài cốt liệt sĩ, trong đó ở Lào: 16.613 hài cốt liệt sĩ Campuchia: 15.148 hài cốt liệt sĩ trong nước: 38.778 hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN đã xác định danh tính cho 3.423 danh tính liệt sĩ tới thân nhân và tổ chức gắn bia ghi tên liệt sĩ.

Đọc thêm