Lữ đoàn 86: Chung tay xây dựng “ngôi nhà thứ 2”

(PLO) - Trăm bề khó khăn, tuy nhiên bằng sự nỗ lực của bộ đội, sự đầu tư có hiệu quả của các cấp, nhiều năm nay, Lữ đoàn Phòng hóa 86 (Binh chủng Hóa học) đã tự chủ được rau xanh, thực phẩm đưa vào bữa ăn của bộ đội từ tăng gia sản xuất. 
Lữ đoàn 86: Chung tay xây dựng “ngôi nhà thứ 2”
Không những vậy 86 còn là đơn vị tiêu biểu của binh chủng trong xây dựng và phát triển phong trào xây dựng doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp.
Trên vùng đồi nhiều sỏi đá, đất cằn cỗi rất ít cây trồng có thể sống được, vì thế rất ít ngôi nhà được xây lên. Thế nhưng, đến với Lữ đoàn 86, chúng tôi không khỏi ấn tượng bởi một doanh trại rất khang trang chính quy, đẹp và sạch. Từ khu nhà ở của đơn vị đều được xây dựng khang trang, kiên cố đến những sân tập thể thao, vườn hoa, khuôn viên cây cảnh, công trình phục vụ sinh hoạt, vệ sinh của mỗi tiểu đoàn đều đẹp và hài hòa. 
Hai bên đường bê tông trải dài là những hàng cây xanh mướt, hệ thống bảng tin, pa-nô được treo, đặt gọn gàng tại những nơi thường xuyên qua lại. Ngoài ra, cổng vào của các đơn vị đều có biển tên và sơ đồ chỉ dẫn, nội dung thể hiện các vị trí công trình; các dãy nhà được đánh số theo chức năng.
Cả hệ thống làm hậu cần
Theo Đại tá, Chính ủy Lữ đoàn 86 Bùi Quốc Quyền cho biết, để doanh trại có được như ngày hôm nay là nhờ sự lao động miệt mài, công sức của nhiều lớp thế hệ cán bộ, chiến sỹ sống và công tác tại Lữ đoàn. 
“Các anh không hình dung được Lữ đoàn trước đây như thế nào đâu! Khi Lữ đoàn được phân về nơi đây, doanh trại của đơn vị lúc bấy giờ chỉ là những ngôi nhà cấp 4 xập xệ, dột nát, đường vào chỉ là đường mòn rất dốc, hẹp. Những ngày mưa, đường lầy lội toàn đất bùn, để vào với doanh trại mọi người không thể đi bằng phương tiện nào khác ngoài đôi chân của mình. 
Từ năm 2002 đến năm 2012, nhờ sự quan tâm của các cấp, cùng sự tự lực, tự cường  Lữ đoàn đã cải tạo doanh trại một cách quyết liệt. Mọi người quyết tâm lắm, từ cán bộ chỉ huy đến anh em chiến sỹ đều chung tay xây dựng từng bước, từ đào ao, hồ đến làm vườn, xây dựng nhà, làm đường, trồng cây”- Đại tá Quyền chia sẻ.
Đóng quân ở vùng đồi núi, bạc màu, sỏi nhiều hơn đất, vì thế để có những mớ rau xanh tươi không dễ dàng. Các cán bộ, chiến sỹ ở đây cho biết, trước khi trồng một loại cây nào đó thì mọi người phải cải tạo đất sao cho đất tơi, xốp, phù hợp với từng loại cây còn nếu cố tình trồng xuống thì 100% cây đó sẽ chết. Do vậy, Lữ đoàn phải cho cán bộ học đi học hỏi từ người dân địa phương bản địa, rồi cử cán bộ xuống tận Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội học các phương pháp cải tạo đất. 
Trung tá Phùng Quang Thương - Chủ nhiệm Hậu cần của Lữ đoàn - cho biết, đã từ rất lâu rồi đơn vị không phải mua một ngọn rau nào từ thị trường, khi vào chính vụ của một số loại rau, củ, đơn vị còn phải bán bớt ra bên ngoài.
Ấn tượng 
“Ngày Chủ nhật xanh”
Chương trình “Ngày Chủ nhật xanh” của Lữ đoàn 86 không biết có từ bao giờ, do ai phát động nhưng chỉ biết giờ đã thành cái “nếp” của mỗi đơn vị, mỗi chiến sỹ. Tuần nào cũng vậy, cứ đến ngày cuối tuần là tất cả mọi người đều “xắn tay” lao động, làm đẹp nơi ở, khuôn viên, doanh trại của mình. 
Đại tá Bùi Quốc Quyền cho biết: “Ngày Chủ nhật xanh” là sự phối hợp của cơ quan chính trị và hậu cần tổ chức phân công, thực hiện. Lực lượng xung kích là đoàn viên thanh niên rồi từ chính ủy xuống cán bộ đều chung tay hành động. Mỗi tuần một khẩu hiệu, các khẩu hiệu đưa ra để cổ động anh em rất tốt như “Hãy cứu lấy môi trường của chúng ta”, “Hãy vì môi trường sống của mọi người”. Từ khi  xây dựng kế hoạch đến khâu thực hiện thì tất cả đều vui vẻ thực hiện, các đoàn địa phương kết nghĩa đều kêu gọi cùng làm. 
“Căn cứ vào tình hình thực tế, kế hoạch tập luyện của Lữ đoàn mà “Ngày Chủ nhật xanh” được triển khai. Như trong tuần này thì tỉa cây xanh bóng mát cho đẹp, tuần sau sẽ xây sửa khuôn viên. Mỗi tuần sẽ có một phần việc nhất định và cơ bản là tập trung vào cảnh quan môi trường phục vụ môi trường sống và giáo dục chiến sỹ trách nhiệm. Tuy nhiên, Ban Chỉ huy Lữ đoàn luôn quán triệt: hoạt động của “Ngày Chủ nhật xanh” không được ảnh hướng tới nhiệm vụ học tập và rèn luyện của các chiến sỹ ” - Đại tá Quyền nói.
Mỗi Chi đoàn thanh niên của mỗi đơn vị đều có một công trình gắn với Chi đoàn mình. Mỗi cán bộ chiến sỹ ở đây đều rất ý thức trồng và tôn tạo cây xanh, khuôn viên doanh trại. Mỗi khi về phép thấy gia đình có những cây phù hợp với khuôn viên của đơn vị mình thì họ đưa lên trồng ngay. 
Nhiều đơn vị còn cử cán bộ đi khảo sát đơn vị bạn để học hỏi  xây dựng doanh trại như thế nào cho đẹp và họ đã có nhiều sáng tạo trong xây dựng, cải tạo doanh trại. Mọi người luôn phấn đấu doanh trại của mình không những xanh, sạch mà còn phải đẹp - doanh trại ngày hôm sau phải đẹp hơn ngày hôm trước. Tất cả các chiến sỹ ở đây đều coi doanh trại là ngôi nhà thứ 2 của mình.
“Việc tạo cảnh quan môi trường sống của các chiến sỹ đã được Lữ đoàn thống nhất: cảnh quan đẹp không ngoài ai khác hưởng thụ mà chính là các chiến sỹ mình. Không những thế, mỗi khi có người lên thăm, họ thấy được môi trường sống của con, chồng mình đẹp, ấm cúng thì họ thêm phần yên tâm, thêm phần tự hào vì đang có người thân đang làm việc và công tác ở đây. 
Do đó, bản thân các chiến sỹ  không những phải luôn luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà họ còn phải chú ý đến việc cải tạo, xây dựng đơn vị sao cho ngày càng đẹp hơn. Đó là một cách giáo dục ý thức nâng cao tính tự giác cho các cán bộ, chiến sỹ” - Đại tá Bùi Quốc Quyền cho biết.

Đọc thêm