Luật Báo chí 2016 - 'Hành lang' pháp lý hỗ trợ phóng viên tác nghiệp

(PLVN) - Các đại biểu Hội nghị Sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí đều cho rằng, Luật Báo chí quy định khá rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên...
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Hội nghị Hội nghị Sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng nay, tại Hà Nội.

Tới dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông. Cùng tham dự Hội nghị còn có đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương; Sở Thông tin và truyền thông các tỉnh và lãnh đạo các cơ quan báo chí trong cả nước…

Thông tin về tình hình thực thi Luật Báo chí 2016 trong 3 năm qua, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc. Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được đảm bảo và phát huy trong khuôn khổ hiến pháp và luật định. Những nội dung của Luật báo chí 2016 về cơ bản đã phù hợp và đảm bảo tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí.

Tuy nhiên, theo ông Lưu Đình Phúc, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập như: Chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, dẫn đến tình trạng “báo hóa”, gây khó khăn trong công tác quản lý; Luật cũng chưa quy định về báo in và tạp chí in, gây lúng túng cho cơ quan báo chí khi thực hiện, nhất là khi triển khai quy hoạch báo chí… 

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, Luật Báo chí quy định khá rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên. Các cơ quan hành chính Nhà nước bước đầu thực hiện nghiêm chỉnh việc cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí và bước đầu tích cực phản hồi thông tin của cơ quan báo chí.

Dù vậy, các cơ quan báo chí cũng phản ánh vẫn còn nhiều cơ quan hành chính nhà nước cử người phát ngôn cho có, mang tính đối phó; nhà báo, phóng viên liên lạc với người phát ngôn rất khó, bị né tránh bằng nhiều hình thức: trả lời chung chung hoặc khất hẹn…

Bên cạnh đó, nhiều địa phương cho rằng cần sửa đổi, bổ sung quy định Điều 22 về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú cho chặt chẽ hơn.  

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, việc thực thi Luật báo chí năm 2016 cơ bản được triển khai tích cực, hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn một số cơ quan, đơn vị thực hiện Luật chưa thực sự nghiêm túc, chưa hiểu rõ luật dẫn đến những khó khăn, vướng mắc…

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Đọc thêm