Luật pháp còn "kẽ hở" cho lãng phí?

(PLO) - Sáng nay, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). 
Bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, “trách nhiệm người đứng đầu không rõ chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng, có luật nhưng tình hình lãng phí vẫn nghiêm trọng”.
- Theo ông, từ khi có Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chúng ta đã làm được gì? Luật  có những gì đang vướng, cần điều chỉnh để khắc phục tình trạng lãng phí hiện nay?
- Đúng là có luật rồi nhưng sự chuyển động không đáng bao nhiêu, giống như có Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn và đẩy lùi nên cái chính không phải là thiếu văn bản pháp lý hay bộ máy mà quá trình thực hiện.
ĐBQH Lê Như Tiến
 ĐBQH Lê Như Tiến
Muốn chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trước hết phải thực hiện đúng các qui định về định mức, chỉ tiêu, tiêu chuẩn, tiến độ (đều đã có) nhưng dường như khâu thực hiện là yếu nhất. Quy định là không được lãng phí trong quá trình sử dụng đất đai nhưng vẫn còn những dự án treo “xuyên thế kỷ”, khiến hàng nghìn, trăm nghìn tỷ đồng lẽ ra phải sinh sôi từ đất thì lại bị chôn vùi trong đất; không được lãng phí trong quá trình sử dụng công sản nhưng tình trạng mua sắm tài sản công vẫn còn rất nhiều vượt quá cả định mức... 
Có khi cơ quan này thực hiện rất nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì cán bộ cơ quan đó có thể thiệt thòi, nhưng cơ quan khác không thực hiện cũng không sao. Một cá nhân tham nhũng thì bị ra trước vành móng ngựa nhưng chưa thấy xử "quan chức" nào vì tội lãng phí, mặc dù lãng phí có thể lớn hơn rất nhiều tham nhũng. 
- Phải chăng chúng ta đang cứ nói phòng chống lãng phí những sự chuyển động trong nhận thức còn chưa rõ ràng?
- Đúng là như vậy. Chúng ta đang nói, kêu gọi, vận đông nhiều hơn là những qui định cụ thể, ràng buộc trách nhiệm. Đáng lẽ ai ký hoặc quyết định để xảy ra lãng phí thì chính người đó phải chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ. Tuy luật có qui định nhưng chưa thấy trường hợp nào bị xử lý cả vì tham nhũng bị coi là tội phạm, còn lãng phí chỉ bị coi là khuyết điểm và chưa có qui định cụ thể lãng phí đến đâu thì phải xử lý trách nhiệm hình sự nên các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa có sự liên thông, liên kết, phối hợp liên ngành để phòng chống lãng phí nên lãng phí, thất thoát vẫn còn. 
- Có tình trạng như ĐBQH phát biểu là trong bộ máy nhà nước “ đẻ quá nhiều ghế”, nhiều biên chế, thậm chí nhiều Bộ, ngành có số Thứ trưởng vượt quá quy định của Chính phủ. Tại sao lại để như vậy mà không cơ quan nào nói đến trách nhiệm?.
- Đấy đúng là bất cập và rõ ràng là thực hiện không nghiêm qui định. Còn những người có tài năng thực sự lại không được tuyển dụng mà lại lấy những người không có tài năng. Rõ ràng câu chuyện chọn, tuyển dụng, đề bạt nhân sự là có vấn đề. Đó là lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực. Chưa kể vấn đề lãng phí thời gian của cán bộ, công chức
- Mảng được nhiều cử tri xót xa nhất là nhiều công trình để hoang hóa, dở dang. Đầu tư công cũng là một hình ảnh tồi tệ của việc thực hành tiết kiệm?
- Đầu tư nói chung, đặc biệt là đầu tư công không theo qui hoạch, nơi nào cũng có cảng biển, sân bay, “hội chứng” nhà máy đường , xi măng… gây lãng phí lớn. Đầu tư công chưa có sự kiểm soát chặt chẽ. Chỉ cần lên dự án đầu tư được cấp thẩm quyền đồng ý là được. Tôi chưa biết có lợi ích nhóm hay không vì có đầu tư là có tiền ngân sách của Nhà nước, địa phương vì là đầu tư công. Khi đầu tư không hiệu quả, không tạo nên sự liên kết vùng, nguồn lực ít lại bị phân tán thì sẽ rất lãng phí... 

Đọc thêm