Lực lượng giám sát quyền lực đảng viên có chức vụ phải có tính độc lập, khách quan

(PLO) - “Cơ chế phòng ngừa tốt nhất là phải tạo được lực lượng giám sát có tính độc lập, khách quan, không bị lệ thuộc cả về quyền lợi chính trị, kinh tế đối với hệ thống ấy. Anh phải nằm ngoài cái guồng ấy, nếu nằm trong hệ thống ấy, lợi ích của anh có “dính” vào thì khó mà giám sát có hiệu quả”.
Phó GS, TS. Trần Hậu.
Phó GS, TS. Trần Hậu.

Phó GS, TS. Trần Hậu, nguyên Giám đốc Trung tâm Công tác lý luận, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận nhận định như vậy khi thừa nhận hiện nay trong công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn những hạn chế lớn, đặc biệt là sự nể nang, né tránh, sợ bị trù dập.

Sinh hoạt chi bộ nhiều nơi còn hình thức

Trên thực tế, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nếu được thực hiện thường xuyên, có trách nhiệm sẽ là nhân tố quan trọng đảm bảo cho các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm túc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nhấn mạnh: kiểm tra, giám sát là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, giám sát thì khâu phát hiện, phát giác ban đầu được coi là nhân tố quyết định.

Như vậy có nghĩa là ngay từ cơ sở, việc sinh hoạt chi bộ hàng tháng chính là điều kiện tốt nhất để các đảng viên tự kiểm tra, giám sát lẫn nhau, đồng thời đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực đang manh nha xuất hiện trong nội bộ Đảng. Tuy nhiên, trong thời gian dài vừa qua, trên thực tế tại nhiều nơi, việc sinh hoạt chi bộ còn hình thức.

“Chúng ta luôn nhấn mạnh, sinh hoạt chi bộ phải đảm bảo được 3 tính chất: lãnh đạo, giáo dục và chiến đấu. Nhưng tôi thấy 3 cái này đều yếu, thậm chí một số đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm cũng từng nói, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng nhiều nơi giảm sút, thậm chí tê liệt. Cho nên bây giờ sinh hoạt chi bộ hàng tháng thì rất đều, nhưng kết quả sinh hoạt rất kém, dẫn đến việc bản thân mỗi đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không tự giác rèn luyện; trong khi tổ chức mà anh nằm trong đó mất sức chiến đấu thì làm sao tránh khỏi hiện tượng vi phạm của những đảng viên có chức vụ”- Phó GS, TS Trần Hậu nêu vấn đề.

Nêu dẫn chứng cụ thể hơn đối với một số đảng viên là cán bộ lãnh đạo, ông Trần Hậu cho rằng, ý thức sinh hoạt Đảng của các cá nhân này cũng là việc đáng bàn. Ví dụ, một ông Tổng cục trưởng, Tổng Giám đốc, Thứ trưởng… sinh hoạt ở chi bộ Văn phòng (mà trong văn phòng có các đảng viên là lái xe, bảo vệ, văn thư, hành chính, kế toán...) thì sẽ dẫn đến hai trường hợp.

Một là vị lãnh đạo này vắng mặt, đến kỳ sinh hoạt chi bộ thì lấy lý do đi công tác; hai là nếu có ngồi dự họp thì cũng là hình thức. Thử hỏi, khi vị thủ trưởng ngồi đấy thì ai dám phê bình, ai dám nêu vấn đề? Nếu biết vị thủ trưởng của mình có chuyện này chuyện khác thì các đảng viên dưới quyền cũng đành… im lặng, bởi nêu ra vấn đề, họ rất sợ bị trù dập. Cho nên, các vị lãnh đạo này có sinh hoạt chi bộ chăng nữa thì với vị trí đặc biệt của mình trong chi bộ, sẽ không ai dám kiểm tra, giám sát. 

Chủ động những giải pháp hữu hiệu

Theo quan điểm của Phó GS, TS.Trần Hậu, “dù anh có là ủy viên Trung ương, nhưng ở chi bộ mà anh sinh hoạt thì anh là đảng viên. Nhưng rất ít đồng chí gương mẫu báo cáo công tác với Bí thư chi bộ về chuyện anh đi đâu, làm gì... Các đồng chí lãnh đạo cấp trên càng không kiểm soát được. Khi bản thân anh không rèn luyện, phấn đấu và tự đánh mất bản chất tốt đẹp của người đảng viên cộng sản, tổ chức lại không kiểm soát được thì dẫn tới chuyện làm gì có ai kiểm tra, giám sát được anh ta”. Và thực tế này đã nhiều lần được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ rõ, “không ít địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, giám sát còn chiếu lệ, hình thức, chưa quyết liệt; đấu tranh với những vi phạm vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, không nghiêm túc”. 

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng phản ánh thực tế đáng buồn. Đối với những chi bộ về hưu thì các đảng viên đùn đẩy cho nhau, còn chi bộ trong cơ quan, xí nghiệp… thì dân chủ chưa thực sự được đề cao.

“Thành ra ông Bí thư chi bộ thường nói tiếng nói của Bí thư đảng ủy hoặc thủ trưởng cơ quan. Bởi vậy, theo tôi, những chi bộ này cần phải chọn được cá nhân có phẩm chất đạo đức của người lãnh đạo chi bộ…Giả dụ, nếu ông thủ trưởng là trưởng phòng mà ý kiến của Bí thư chi bộ trái với ý của ông ấy thì ông ấy sẽ vận động thay người khác. Trước kia Bí thư chi bộ quyết định trưởng phòng, còn bây giờ trưởng phòng quyết định Bí thư chi bộ là vì thế”- ông Túc chua xót.

Trước thực tế này, một số ý kiến thừa nhận, việc kiểm tra, giám sát nhằm phòng ngừa cũng như phát hiện đảng viên có chức vụ bị suy thoái để loại ra khỏi bộ máy chính trị là việc làm vô cùng nhạy cảm và hệ trọng, bởi nó động chạm đến quyền lực và lợi ích của không ít cán bộ các cấp, kể cả cấp chiến lược. Vì thế, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần quy định cụ thể về cách làm, chỉ đạo trực tiếp một số ngành, địa phương có nhiều vấn đề nổi cộm, sau đó nhân rộng ra cả nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu ngành kiểm tra của Đảng cần chủ động đề xuất các giải pháp hữu hiệu để giải quyết dứt điểm những việc đang làm với phương châm là làm đến cùng, đồng thời chuẩn bị làm tiếp những vụ việc mới phát sinh. “Nhưng theo tôi, cơ chế phòng ngừa tốt nhất là phải tạo nên được lực lượng giám sát có tính độc lập, khách quan, không bị lệ thuộc cả về quyền lợi chính trị, kinh tế đối với hệ thống ấy. Cụ thể, anh phải nằm ngoài cái guồng ấy, nếu nằm trong hệ thống ấy, lợi ích của anh “dính” vào đấy thì khó mà giám sát có hiệu quả”.

Trong nền kinh tế thị trường, đồng tiền có ma lực ghê gớm, thành ra một số đảng viên có chức, có quyền cũng bị mua chuộc. Đồng thời, chính sự chủ quan của chúng ta nên một bộ phận cán bộ được phân công giám sát quyền lực cũng buông, cũng bị mua chuộc, dẫn đến những hậu quả đau lòng đã diễn ra trong thời gian qua. (Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam).

Đọc thêm