Lực lượng xoá sổ "đại đội ăn thịt người" ở Huế

(PLO) - Để mở đường cho lực lượng Quân khu Trị Thiên tiến vào giải phóng TP. Huế trong mùa xuân lịch sử 1975, có công không nhỏ của Tiểu đoàn trinh sát vũ trang. Đây cũng chính là lực lượng mà quân thù chỉ cần nghe tên cũng đã hoang mang. 
Lực lượng xoá sổ "đại đội ăn thịt người" ở Huế
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Hoàng Thức Bảo (69 tuổi, ngụ TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, cựu lãnh đạo lực lượng đặc biệt này), bồi hồi ôn lại những kỷ niệm năm xưa cùng PL&TĐ.
10 chiến sĩ giữ ¼ thành phố suốt 25 ngày
Năm 1966, lực lượng trinh sát vũ trang của Huế được thành lập, lúc đầu chỉ có 5 đồng chí, sau này lực lượng ngày một lớn mạnh, lên đến 320 người. Nhiệm vụ của lực lượng chính là đưa chiến tranh vào vùng hậu địch ở đô thị. 
Cùng đồng đội tham gia rất nhiều trận đánh, nhưng ông Bảo nhớ nhất là 26 ngày đêm trấn giữ bờ thành phía đông Đại Nội Huế. Chính trong những ngày chiến đấu ác liệt này, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, khi mới bước qua tuổi đôi mươi.
Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, tiểu đoàn trinh sát chia thành 4 mũi, tấn công vào trung tâm thành phố. Mũi thứ nhất do phân đội 66C đảm nhận, chịu trách nhiệm tấn công về Bãi Dâu. 
Mũi thứ 2 do phân đội 66E cơ động và 66D  phụ trách, đánh vào cửa Tây, chiếm cửa Thượng Tứ, cửa Đông Ba, cầu Gia Hội, cầu Tràng Tiền, đánh bốt cảnh sát Tây Lộc, chiếm phường Tây Lộc, phường Thuận Thành. 
Mũi thứ 3 hành quân từ Đình Môn về Thủy Xuân, đánh vào Ty tỉnh trưởng, lao Thừa Phủ, giải phóng 2.300 phạm nhân, sau đó trang bị vũ khí chiến đấu cho hơn 500 người. 
Anh hùng LLVTND Hoàng Thức Bảo
 Anh hùng LLVTND Hoàng Thức Bảo
Mũi thứ 4 đánh từ Hương Thủy lên Vĩ Dạ, chiếm bốt cảnh sát và trung tâm thẩm vấn của địch. 
“Trong 4 mũi tiến công, mũi thứ 2 của tôi bị tấn công mạnh nhất. Phân đội lúc bấy giờ gồm 7 biệt động và 3 trinh sát vũ trang, phía địch rất hùng hậu gồm thủy quân lục chiến, quân dù, cảnh sát… mở hàng chục trận đánh nhưng vẫn không thể chọc thủng tuyến phòng ngự của của ta”, ông Bảo nhớ lại.
Phân đội chiếm giữ cửa Thượng Tứ, cầu Tràng Tiền, chợ Đông Ba từ ngày 31/1/1968 đến ngày 25/2/1968. Với cách đánh di chuyển, cơ động, nên dù lực lượng chỉ vỏn vẹn 10 chiến sĩ, nhưng lại khiến đối phương lầm tưởng quân số rất đông.
Người chiến sĩ biệt động nhớ lại: “Đầu tiên địch dùng 7 xuồng máy ở phía Nam đánh sang bờ Bắc. Thất bại, chúng dùng 3 xe tăng ồ ạt tấn công. Chúng tôi đánh cháy 1 xe, một xe bị thương, buộc xe còn lại phải rút lui. Sau đó, địch dùng 1 xe quân sự từ Gia Hội phản kích lên Đông Ba nhưng vấp phải sự phản công của ta, địch buộc phải rút lui. 
Sau đó chúng dùng hàng chục tiểu đoàn thủy quân lục chiến đánh chiếm Đông Ba, vẫn bị phân đội của ta đánh bật, buộc phải rút lui. Quyết tâm phá vỡ bằng được tuyến phòng ngự, địch dùng tàu chiến phản kích lên bờ Bắc nhưng một lần nữa lại bị quân ta bắn cháy”. 
Phân đội của ông Bảo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ vững tuyến phòng thủ suốt 25 ngày đêm trước sự tấn công ác liệt của đối phương. Ông Bảo cùng 2 đồng đội được vinh dự kết nạp Đảng ngay trên chiến hào vào ngày 12/2/1968, khi đang trong trận chiến đấu ác liệt với quân thù. 
Giải phóng TP. Huế
 Giải phóng TP. Huế
Đang dự hội nghị vẫn “tiện tay” đánh giặc
Sau Tết Mậu Thân 1968, quân ta rút hết về hậu cứ, địch tăng cường điều quân lên càn quét. Tháng 6/1968, địch tấn công lên địa đạo an ninh Khe Trái (thuộc thị xã Hương Trà), nơi đứng chân của Khu ủy Trị Thiên. Lực lượng trinh sát vũ trang nội thành Huế nhận lệnh bằng mọi cách phải tiêu diệt địch, bảo vệ hậu cứ. 
“Lực lượng chúng tôi lúc đó gồm 30 người. Địch hành quân xuống chân đồi, chúng tôi liền ra đánh. Địch rút lên cao bắn phá, chúng tôi chui vào các địa đạo ẩn nấp, địch tưởng đã tiêu diệt được quân ta, nên xuống dọn đường, ta lại nhảy ra đánh tiếp. 
Quần thảo với địch suốt 11 ngày đêm, chúng tôi đã tiêu diệt được 1 ban chỉ huy cùng 300 tên địch, buộc 2 tiểu đoàn phải rút lui. Trận đó, cả đơn vị được tuyên dương là “dũng sĩ diệt Mỹ”, ông Bảo nhớ lại.
Sau chiến thắng Khe Trái, ông Bảo là một trong những chiến sĩ của tiểu đoàn vinh dự được về dự Đại hội thi đua Công nông binh tại hậu cứ Khe Vàng (Hương Thủy), diễn ra vào tháng 10/1968. 
Hội nghị đang diễn ra thì nhận được báo cáo, có 1 tiểu đoàn của Mỹ đang hành quân về hậu cứ, mục đích tấn công hội nghị. Đại hội quyết định cử 5 đại biểu ra chặn đánh địch. 
“Tôi cùng 4 chiến sĩ rời hội nghị, ra chặn đường tiến quân của địch. Trận đó, chúng tôi tiêu diệt được 50 quân địch, bắt sống hàng chục tên khác, bảo vệ an toàn 100 đại biểu tham dự hội nghị”, ông Bảo nhớ lại. 
Chính trận đánh này, ông Bảo được bầu chiến sĩ thi đua cấp Quân khu, vinh dự được nhận Huy hiệu Hồ Chí Minh với 8 chữ vàng: “tấn công – nổi dậy – anh dũng – kiên cường”.
Lực lượng trinh sát nội thành lúc bấy giờ tham gia rất nhiều trận đánh, khiến quân địch chỉ mới nghe danh đã e dè. Một trận đánh khác càng khiến danh tiếng của lực lượng vang xa. 
Ngày đó, đại đội 223 Bảo An quận Hương Trà của quân Sài Gòn được mệnh danh là “đại đội ăn thịt người”. 
Lính Mỹ tháo chạy khỏi thành Huế
 Lính Mỹ tháo chạy khỏi thành Huế
Vào giai đoạn đó, địch luôn khoe khoang “tiêu diệt rất nhiều Việt Cộng”, là quân thiện chiến, bất khả xâm phạm. Đơn vị trinh sát được cấp trên giao nhiệm vụ “chỉ cần đánh trúng đại đội “ăn thịt người”, nhằm dập tắt luận điệu huênh hoang, làm mất lòng tin của địch”. 
Nhận lệnh, phân đội của ông Bảo (gồm 4 chiến sĩ) phối hợp với đội biệt động Hương Trà (gồm 2 chiến sĩ) tập kích vào ấp Hương Vân (Hương Trà), nơi đại đội 223 Bảo An đang có mặt. 
“Tương quan lực lượng địch gấp ta 20 lần, nhưng chúng tôi đã tiêu diệt và làm bị thương trên chục tên, chính thức xóa tên “đại đội ăn thịt người” mà địch vẫn khoe khoang”, ông Bảo cho hay.
Sau năm 1970, đối phương tăng cường lùa dân về các khu tập trung, lực lượng trinh sát nội thành được lệnh trà trộn trong dân, xây dựng cơ sở, chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch mùa Xuân 1975. 
Từ đầu tháng 3/1975, tại Huế, tiếng súng đã nổ vang khắp các chiến trường. Đến giữa tháng 3/1975, quân Sài Gòn bắt đầu dẫm đạp lên nhau bỏ chạy về cửa biển Thuận An để lên tàu vào Nam. 
Ngày 21/3 tiếng súng tiến công bắt đầu, ngày 23 và ngày 24, một tổ trinh sát trong tiểu đoàn phối hợp với bộ đội chủ lực hành quân cấp tốc áp sát thành phố, mở đường cho trung đoàn 6 tiến vào, cắm cờ giải phóng trên đỉnh Kỳ Đài, góp phần vào đại thắng Mùa xuân năm 1975./.

Đọc thêm