Lùi thời hạn trình dự án Luật Biểu tình

(PLO) - Tiếp tục phiên họp thứ 50, hôm qua (12/7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông.

Tiếp tục phiên họp thứ 50, hôm qua (12/7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH hội năm 2017 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017.

Theo tờ trình dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017: Tổng số các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIII là 158 dự án. 

Trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, 107 luật, bộ luật, 01 nghị quyết; UBTVQH đã thông qua 09 pháp lệnh và 03 nghị quyết; hầu hết các dự án còn lại đã được đưa vào Chương trình năm 2016 và được đề nghị đưa vào Chương trình năm 2017.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động lập pháp vẫn còn nhiều hạn chế chậm được khắc phục như: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn phải điều chỉnh thường xuyên; quy định trong một số đạo luật chưa phản ánh đầy đủ, sát thực nhu cầu cuộc sống, vẫn mang tính nguyên tắc chung, nên hiệu quả điều chỉnh, tính khả thi chưa cao…

Còn một số hạn chế khác là việc triển khai thực hiện luật còn phải phụ thuộc vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; một số dự án luật trình Quốc hội, UBTVQH không bảo đảm tiến độ, chất lượng, cá biệt có dự án còn sai sót về kỹ thuật,..

Đến thời điểm hiện tại, dự án Luật Biểu tình đã được đưa vào chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. 

Tuy nhiên, tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho rằng, đây là dự án luật phức tạp, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. “Qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn có ý kiến khác nhau; hồ sơ của dự án chưa đầy đủ. Do đó, chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào Chương trình”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết. 

Liên quan đến việc điều chỉnh bổ sung dự án luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, UBTVQH đồng ý với Chính phủ cần sớm ban hành dự án luật này nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thực hiện đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhưng hiện tại, hồ sơ về dự án luật này chưa có nên không thể đưa vào chương trình trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV như đề nghị của Chính phủ. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, Ủy ban Kinh tế không hay biết gì về kế hoạch hay dự thảo chỉnh sửa bổ sung Luật của Chính phủ. Do đó, cần phải bàn thật kỹ luật này, không nên đưa vấn đề quá gấp rút.

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực từ 1/7 năm nay, có hiệu lực chưa được 10 ngày đã sửa lại thì chưa thể có sự đánh giá tác động một cách toàn diện. Do vậy, bà Tòng Thị Phóng không đồng ý với quan điểm của Chính phủ.

Kết luận vấn đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ tiếp tục chuẩn bị và báo cáo UBTVQH sau Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XIV. Trong thời gian đó các ủy ban của Quốc hội sẽ thẩm tra các dự án luật, nếu thấy đủ điều kiện thì UBTVQH sẽ đồng ý cho sửa đổi bổ sung luật này và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.

Cũng trong phiên họp, UBTVQH thống nhất sẽ chọn 2 chuyên đề: Thực hiện chính sách quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hiện chính sách cải cách hành chính để trình Quốc hội tiến hành giám sát tối cao trong năm 2017. Đối với 2 chuyên đề: Thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo đại học, sau đại học, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sẽ được các Ủy ban của Quốc hội thực hiện giám sát.

Đọc thêm