Mặt trận phải biết lắng nghe và chịu sự giám sát của nhân dân

(PLO) - Trong không khí chào đón xuân mới Đinh Dậu, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTW MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã dành cho báo chí một cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở. 
 
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiên Nhân.
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiên Nhân.

Theo người đứng đầu Mặt trận, trong thời gian tới, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên sẽ đặt mạnh yêu cầu chủ động, đổi mới, bám sát Nghị quyết của Đảng để phát huy khối đại đoàn kết; bên cạnh đó, phải biết lắng nghe nhân dân và chịu sự giám sát, đánh giá của nhân dân.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

- Thưa ông, năm 2016 được xem là năm thành công của Mặt trận khi tạo nên nhiều dấu ấn mới trong việc giữ gìn và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông có thể nói điều gì về thành tựu của MTTQ trong năm qua đối với công cuộc xây dựng đất nước?

- Ông Nguyễn Thiện Nhân: Cảm tưởng lớn nhất của chúng tôi là đã góp phần làm rõ vị trí đại đoàn kết (ĐĐK) trong sự nghiệp phát triển của dân tộc giai đoạn hiện nay. Nói đến ĐĐK thì phải làm thế nào để nhân dân hiểu về đường lối phát triển đất nước, đồng tình với sự phát triển đất nước và quyết tâm góp sức làm cho Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh, trong sạch.

Bên cạnh đó, chúng ta phải phát huy được sáng kiến của các tầng lớp nhân dân trong việc đóng góp công sức vào việc cải thiện đời sống của chính mình cũng như vào sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Với nhận thức đó, có thể nói trong năm 2016 đã diễn ra nhiều sự kiện lớn phản ánh sự nỗ lực của Mặt trận dưới sự lãnh đạo của Đảng để phát huy sức mạnh ĐĐK của toàn dân tộc

Hoạt động lớn đầu tiên đó là chúng ta đã động viên toàn thể nhân dân thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Không chỉ vậy, Mặt trận còn thể hiện trách nhiệm hiệp thương trong quá trình bầu cử, giới thiệu những người đủ tài, đủ đức cho nhân dân lựa chọn; đồng thời giám sát quá trình bầu cử tuân thủ pháp luật.

Cuộc bầu cử thành công đã góp phần tạo nên một cuộc sinh hoạt chính trị, một bầu không khí ĐĐK rộng lớn. Kết quả đó là sự đóng góp của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của MTTQ Việt Nam.

Từ kinh nghiệm 15 năm trước của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động vì người nghèo, chúng tôi đã thảo luận một năm trời để hình thành một Đề án cho cuộc vận động trong giai đoạn mới, đó là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.Đây là cuộc vận động kế tục những thành tựu cũ, đồng thời có những điều chỉnh cho phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Nói đến xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh thì tầm đánh giá là ở cấp xã, phường và cấp quận, huyện nhưng nó lại dựa trên hoạt động của cấp khu dân cư. Vậy nên khi nói toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh là chúng ta nâng tầm đóng góp của Mặt trận vào lĩnh vực mà Đảng và Nhà nước đòi hỏi đo đếm được. Mà muốn NTM thì không thể khu dân cư lại không mới, không tốt, cho nên cuộc vận động này chúng tôi đã có sự hiệp thương chặt chẽ giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên. Mặt trận không thể làm được nếu các tổ chức thành viên không nhận và không giúp hộ nào để họ thoát nghèo, bớt khó khăn.

Do đó, phương châm của cuộc vận động lần này là không để hộ nghèo nào, hộ chính sách nào không được một tổ chức của Mặt trận hỗ trợ, giám sát. Đây là cuộc vận động đã được báo cáo với Trung ương Đảng và ngày 15/12/2016, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Trước đó, ngày 3/10, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ cũng đã ký Nghị quyết liên tịch “về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Như vậy cuộc vận động này được chuẩn bị bài bản, có chiều sâu, thu hút tất cả các nguồn lực của nhân dân cũng như kết hợp giữa chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Và đây chính là sự kiện lớn thứ hai mà Mặt trận triển khai trong năm vừa qua.

Sự kiện thứ ba trong năm 2016 là đất nước ta hứng chịu quá nhiều thiên tai. Đầu năm là rét hại ở miền Bắc, giữa năm là tai nạn môi trường biển ở miền Trung, sau đó hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên và Nam bộ, bây giờ là lũ lụt ở miền Trung…

Trong bối cảnh đó, Mặt trận các cấp cũng như các tổ chức khác đã có những hoạt động kịp thời. Ngay khi xảy ra sự cố môi trường biển ở miền Trung, Mặt trận đã cùng 7 tổ chức  ký một Chương trình phối hợp trong vòng hai tháng để vận động cứu trợ cho đồng bào bị ảnh hưởng. Chúng tôi xác định có gần nửa triệu hộ dân bị ảnh hưởng (cả hạn hán, xâm nhập mặn) và phấn đấu có ít nhất 10% số hộ bị ảnh hưởng được hỗ trợ (đặt chỉ tiêu là 45.000 hộ).

Ngoài ra, trong vòng 2 tháng cố gắng vận động được khoảng 80 tỉ đồng tiền hỗ trợ. Nhưng nhờ sự vào cuộc của các tổ chức và tinh thần đoàn kết, tấm lòng tương thân tương ái của nhân dân mà qua tổng kết thì không phải 45.000 hộ mà có tới 1.193.000 hộ đã được hỗ trợ- gấp  5 lần chỉ tiêu chúng ta đặt ra ban đầu; số tiền hỗ trợ cũng không phải 80 tỉ mà là 214 tỉ. Hiện nay Mặt trận cũng đang kêu gọi sự ủng hộ cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng của lũ lụt.

Bên cạnh những hoạt động trên, với phương châm yêu nước và thương dân, năm 2016, Mặt trận tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát lớn đã triển khai trong các năm trước, đó là giám sát sự tuân thủ pháp luật về cung ứng đầu vào trong nông nghiệp, giám sát đóng bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp, giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo gắn với tư vấn cho người khiếu nại tố cáo…

Đặc biệt chúng tôi triển khai hoạt động giám sát mới bắt đầu từ Chương trình phối hợp với Chính phủ từ tháng 3/2016, đó là giám về đảm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… Ngoài ra trong từng giai đoạn, tùy thuộc vào vấn đề mà nhân dân quan tâm, chúng tôi cũng sẽ có các hoạt động giám sát khác, như vấn đề ô nhiễm môi trường do nguy cơ các nhà máy nhiệt điện phát sinh ra; đồng thời tiếp tục khảo sát để đánh giá sự hài lòng của người dân do Mặt trận phối hợp cùng Bộ Nội vụ triển khai.

Đồng thuận vì nước, vì dân

- Như ông đã nói, năm 2016 UBTW MTTQ Việt Nam đã phát động cuộc vận động“Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tổ chức thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Thiện Nhân: Cuộc vận động này đã có Chỉ thị của Ban Bí thư, có chương trình phối hợp với Chính phủ và chương trình hiệp thương của MTTQ với các tổ chức thành viên. Hiện nay phần “khung” đã xong, chỉ bắt tay vào triển khai. Mặt trận cũng đang triển khai với các Bộ liên quan như Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Công thương, Văn hóa-Thể thao và Du lịch và Bộ Xây dựng ban hành các tiêu chí liên quan đến NTM, đô thị văn minh, trong đó nói rõ an toàn thực phẩm là gì? gia đình văn hóa là như thế nào và đô thị văn minh ra sao?… trong năm 2017 này sẽ tổ chức triển khai. 

Một vấn đề đặt ra là việc hỗ trợ người dân thoát nghèo phải có sự phân công, trong phát triển kinh tế cũng tính đến việc xây dựng Hợp tác xã (HTX), bởi chừng nào vẫn còn hộ cá thể lâu dài thì không thể tăng năng suất và khó bền vững trong cơ chế thị trường cạnh tranh quốc tế. Muốn thu nhập cao hơn, bền vững hơn thì về lâu dài phải vào HTX.

Hiện nay, tỷ lệ HTX ở mỗi xã còn rất ít, thường chỉ có một hoặc hai HTX mà thu hút chỉ 10 – 20% nông dân, còn 80% người nông dân đứng ngoài. Như vậy phải đặt vấn đề: nếu chỗ nào mà NTM mới có tổ hợp tác thì phải khẩn trương có một HTX để làm mô hình. Còn nơi nào có một HTX rồi thì cần có 2,3,4 HTX nữa để thu hút phần lớn nông dân tham gia. 

Ngoài ra, không thể có xã NTM mà hộ nông dân sản xuất lại không an toàn. Bởi vậy, sẽ có nội dung cụ thể là đăng ký gia đình văn hóa phải là gia đình sản xuất an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề rất mới, nếu làm nghiêm vấn đề này thì tỷ lệ hộ văn hóa sẽ giảm đi nhưng theo tôi trong ngắn hạn cũng không sao, quan trọng là biết thực chất mà nâng tầm lên.

- Thưa ông, hiện nay chuỗi liên kết ngành của HTX đang thực sự khó khăn cho việc phát triển HTX kiểu mới. Vậy cần giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Ông Nguyễn Thiện Nhân: Liên kết HTX là để cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong hội nhập quốc tế, trong khi chúng ta chưa nhận thức đúng về vấn đề này, chưa thực sự quyết liệt về HTX kiểu mới. Chúng ta đã có Luật HTX từ năm 2012, nhưng những mục tiêu đặt ra chưa hoàn thành. Cho nên, để cho kinh tế hợp tác thực sự phát triển thì chúng ta phải thống nhất ý thức HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012- đây là con đường tất yếu không thể tránh khỏi của nông nghiệp Việt Nam. 

Theo tôi mô hình là rất quan trong và không phải HTX nào cũng đủ sức làm liên kết với doanh nghiệp. Hiện nay ở Việt Nam đã có một số mô hình HTX. Thứ nhất, nếu HTX đủ mạnh thì họ sẽ trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp mua đầu vào, bán đầu ra. Ngoài ra, có một mô hình mà ở nước ngoài họ làm rất nhiều đó là các HTX cùng ngành nghề ngồi với nhau lập ra liên hiệp HTX để mua chung một đầu vào cho tất cả các HTX thành viên và họ nhận tất cả đầu ra cho tất cả các HTX thành viên như lúa, rau, quả…

Với phương thức này thì HTX không trực tiếp liên kết với doanh nghiệp mà thông qua Liên hiệp HTX. Mô hình này chúng tôi dự báo sẽ là mô hình đa số nhưng ở Việt Nam ra đời muộn nhất. Cách đây 3 tháng, chúng ta đã ra đời Liên hiệp HTX đầu tiên cấp quốc gia, gọi là Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam do Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ, đến nay cũng có trên dưới 10 cửa hàng để tiêu thụ sản phẩm sạch của mình và có hơn 10 HTX sáng lập viên ban đầu; hiện nay mô hình này đang tiếp tục mở rộng.

Mô hình thứ ba là các hộ dân không phải là xã viên HTX nhưng họ thực hiện hợp đồng sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Nhưng mô hình này sẽ không phủ được đa số nông dân, bởi vì nông dân chúng ta rất nhiều (12 triệu hộ), mà số doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp cũng rất hạn chế. So với các hình thức trên thì trong mô hình này từng hộ nông dân sẽ rất yếu thế so với doanh nghiệp và thường không có quyền đàm phán giá cả.

Như vậy, nói đến hợp tác là phát huy sức mạnh tập thể về kinh tế hộ chứ không phải chỉ có HTX đơn thuần, và trong tương lai sẽ có các bước phát triển khác cao hơn.

- Ông có thể cho biết, trước thềm năm mới 2017, MTTQ sẽ có những nội dung nào để thúc đẩy hơn nữa khối ĐĐK toàn dân tộc, cùng cả nước phát triển kinh tế- xã hội mạnh mẽ hơn?

- Ông Nguyễn Thiện Nhân: Sứ mạng của Mặt trận các thời kỳ là trên trục ĐĐK, trên sự đồng thuận vì nước vì dân, đồng hành và tin tưởng vào đường lối của Đảng, đóng góp xây dựng chính quyền vững mạnh, phát huy sức sáng tạo của nhân dân…Như tôi đã nói, chương trình có rất nhiều nội dung, chỉ xin nói gọn là Mặt trận sẽ tiếp thu và phát huy những mô hình, phương thức đã làm trong thời gian qua, đặt mạnh yêu cầu chủ động, đổi mới, bám sát nghị quyết mới của Đảng trong nhiệm kỳ này để phát huy khối ĐĐK. Bên cạnh đó, Mặt trận cũng như các tổ chức thành viên phải biết lắng nghe nhân dân và chịu sự giám sát, đánh giá của nhân dân. 

Trân trọng cám ơn ông!

Đọc thêm