Miền Trung “đua” từng giây phòng “siêu bão” Haiyan

(PLO) -Trước thông tin cơn bão Haiyan có sức tàn phá khủng khiếp khi đổ bộ, từ sáng sớm 9/11, hàng chục ngàn người dân sống ven biển miền Trung cùng các cấp chính quyền bắt đầu di tản đến nơi trú tránh, khẩn trương chèn chống nhà cửa, mua lương thực dự trữ…
Miền Trung “đua” từng giây phòng “siêu bão” Haiyan
Theo Trung tâm PCLB miền Trung-Tây Nguyên, đến trưa 9/11, Đà Nẵng và Quảng Ngãi đã lên kế hoạch chi tiết việc sơ tán dân từ các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn tránh bão Haiyan.
Theo đó, Đà Nẵng tiến hành sơ tán 19.388 hộ/73.384 khẩu từ 56 xã, phường; Quảng Ngãi 24.319 hộ/95.933 khẩu. Việc sơ tán dân được bắt đầu từ 12 giờ trưa 9/11 và hoàn tất vào lúc 19h cùng ngày. 
Người dân Đà Nẵng đã hoàn thành đưa tàu thuyền nhỏ vào nơi trú tránh
Người dân Đà Nẵng đã hoàn thành đưa tàu thuyền nhỏ vào nơi trú tránh 
Mọi công tác chuẩn bị khác cũng phải hoàn thành trước 17h ngày 9/11. Công an, dân phòng nghiêm cấm người dân ra đường sau 21h ngày 9/11 và các chỗ trú ẩn, chỉ cho người dân ra khỏi nơi tránh trú sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND quận, huyện. Nếu để người dân ra ngoài trong thời gian bão mà xảy ra thương tích, chết người, đơn vị đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
UBND TP Đà Nẵng cũng đã giao Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất thông báo cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn TP tạm dừng hoạt động sản xuất và cho công nhân tạm nghỉ làm việc để tránh bão, từ 13h ngày 9/11. Tạm dừng họp chợ từ 14h ngày 9/11.
Các xe đặc chủng sẳn sàng ứng phó khi bão đổ bộ
Các xe đặc chủng sẳn sàng ứng phó khi bão đổ bộ 
Trước đó, trước sự nguy hiểm của siêu bão Haiyan, TP. Đà Nẵng đã có công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị và người dân trên địa bàn TP khẩn cấp thực hiện các biện pháp chống bão Haiyan.
Từ sáng ngày 9/11, học sinh, sinh viên được nghỉ học; tất cả dân cư ở cách bờ biển 500m, dân cư ở trong các nhà cấp 4 phải di tản trước 17h ngày 9/11. Nếu không di tản sau thời gian trên, quân đội, công an và dân phòng thực hiện cưỡng chế di tản đến nơi an toàn.
Tất cả trường học, công sở tạo mọi điều kiện cho người dân và sinh viên vào tránh trú bão nhưng phải thực hiện kiểm tra an toàn cơ sở trước khi đưa dân vào tránh trú bão. Các ký túc xá kiên cố tạo điều kiện cho người dân và sinh viên vào trú bão, chỉ bố trí ở các nhà bê tông kiên cố, bổ trí ở tầng 1 và tầng 2, không bố trí ở tầng 3 trở lên, không cho tránh trú trong các hội trường, nhà thi đấu mái tôn hoặc có các cửa kính lớn.
Các cơ sở chèn chống nhà cửa mái tôn bằng dây thừng, bao cát... để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân trước, trong và sau bão.
Người dân đổ xô đi đổ xăng
Người dân đổ xô đi đổ xăng 
Mua thực phẩm dự trữ những ngày bão.
Mua thực phẩm dự trữ những ngày bão.
Trưa 9/11, tại những vùng ven biển ở Đà Nẵng, công tác phòng chống bão được người dân, nhiều lực lượng tập trung cao độ. Hàng ngàn người dân đã mua bao tải, dây thép về chèn chống nhà cửa. Bên cạnh đó, việc mua lương thực, thực phẩm về tích trữ cũng đã được người dân đặc biệt quan tâm. Tại những cửa hàng xăng dầu, lượng người đến mua xăng dầu tích trữ cũng đông nghẹt.
Người dân mua bao cát chèn chống nhà cửa trưa 9/11
Người dân mua bao cát chèn chống nhà cửa trưa 9/11 
Đáng chú ý, lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, việc phòng chống bão ở Đà Nẵng không chỉ tập trung tại những khu vực ven biển như Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu..., mà ngay cả tại những nhà kiên cố ở khu vực trung tâm cũng được triển khai hết sức gấp rút. Nhiều nhà cao tầng con thuê cả container về chặn phía trước để chống bão.
Về công tác đưa tàu thuyền của ngư dân ven biển Đà Nẵng lên bờ tránh bão, tại âu thuyền Thọ Quang, Mân Thái, đến trưa 9/11 đã có trên 1.400 tàu cá của ngư dân miền Trung vào neo đậu trú tránh bão. Lượng tàu thuyền tập trung cùng lúc quá nhiều đã gây nên tình trạng quá tải.
Tỉnh Quảng Nam, ngoài việc tổ chức sơ tán dân, còn triển khai việc đào hầm trú tránh bão. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng đã họp khẩn cấp triển khai kế hoạch phòng chống bão. Theo đó, Quân khu 5 tiến hành thành lập ngay sở chỉ huy tại Đà Nẵng và 2 sở chỉ huy cơ động tại Sư đoàn 315 (huyện Núi Thành, Quảng Nam) và tại Bình Định.
Từ 12h ngày 8/11, tất cả các cơ quan, đơn vị tại Quân khu 5 đã cho dừng huấn luyện để chuẩn bị phương tiện xe máy, tàu thuyền, bệnh viện, trạm xá… sẵn sàng di dời và ứng cứu nhân dân đến nơi tránh trú bão an toàn.
Người dân Quảng Nam di dời đến nơi trú tránh bão
 Người dân Quảng Nam di dời đến nơi trú tránh bão
Đà Nẵng Thành lập khẩn các đội Cứu hộ- Cứu nạn ứng phó siêu bão
Chiều 9/11, UBND TP. Đà Nẵng có quyết định thành lập khẩn các Đội cứu hộ cứu nạn, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai do bão Haiyan gây ra.

Theo đó, thành lập 1 đội cứu hộ trên sông do Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố phụ trách với 9 phương tiện và lực lượng; 1 Đội ứng cứu sập đổ công trình do Sở Cảnh sát PCCC TP. Đà Nẵng chỉ huy cùng phương tiện và lực lượng và Đội ứng cứu khẩn cấp trong bão, gồn 2 xe tăng thiết giáp và kíp xe của Tiểu đoàn T-TG699, quân y, Thông tin…, thuộc Bộ chỉ huy quân sự thành phố Đà Nẵng.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng, đến 15h ngày 9/11, thành phố đã sơ tán được 18.368 với 65.000 người. Mọi công tác di dời dân phải hoàn thành trước 17h ngày 9/11.

Đọc thêm