Minh bạch tài sản để phòng chống tham nhũng: Không chỉ kê khai mà còn phải công khai

(PLO) - Minh bạch tài sản không chỉ để phòng chống tham nhũng (PCTN) mà còn chống rửa tiền, trốn thuế, chuyển dịch tài sản bất hợp pháp. Tuy nhiên, tại các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN hiện hành, chúng ta mới chỉ quan tâm tới vấn đề kê khai tài sản, còn việc công khai tài sản của cán bộ, công chức (CBCC), đặc biệt là người có chức vụ quyền hạn nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Minh bạch tài sản để phòng chống tham nhũng: Không chỉ kê khai mà còn phải công khai

Trao đổi với Pháp luật Việt nam, ông Đỗ Đức Hồng Hà-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) cho rằng cần phải yêu cầu CBCC công khai tài sản để tạo điều kiện cho việc theo dõi sự biến động, từ đó giúp công tác PCTN hiệu quả hơn. 

Không giải trình được, có thể xử lý hình sự

Công khai tài sản, thu nhập của CBCC được xác định là một trong những biện pháp chính để phòng ngừa tham nhũng ở nước ta. Báo cáo về công tác PCTN  năm 2016 tại QH ở kỳ họp vừa qua, Chính phủ cho biết, tỷ lệ người thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập trong năm 2015 lên đến hơn 1 triệu người, trong đó có 99,1% người đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập. Có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập nhưng chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực. 

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH dẫn phản ánh của dư luận và báo chí cho biết việc kê khai tài sản, thu nhập cũng như công khai bản kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua còn hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực. Ủy ban Tư pháp cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là do chưa quy định bắt buộc xác minh tài sản được kê khai trước khi đề bạt, bổ nhiệm; có quá nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền xác minh bản kê khai. Bên cạnh đó, việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai và chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực. 

Cũng chính vì còn nhiều bất cập trong công tác kê khai và xác minh tài sản của CBCC như vậy nên mỗi khi có trường hợp CBCC nào đó sở hữu khối tài sản lớn, dư luận lại không khỏi xôn xao, đồn đoán về nguồn gốc của khối tài sản này. Trong bối cảnh như vậy, công khai tài sản của CBCC đang được xem là một trong những giải pháp để vừa có thể giúp xác minh được chính xác nguồn gốc tài sản của CBCC, vừa giúp chính họ giải tỏa được những nghi ngờ cho mình.

Đưa ra lý do đồng tình với việc nên công khai tài sản, thu nhập của CBCC, ông Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, việc công khai như vậy sẽ tạo điều kiện để những người cùng cơ quan, nơi cư trú cũng như cơ quan chức năng theo dõi được sự biến động của tài sản của CBCC, từ đó giúp công tác PCTN hiệu quả hơn. Trong quá trình xác minh tài sản, ông Hà đề nghị nếu phát hiện lượng tài sản của CBCC thiếu so với kê khai thì phải yêu cầu bổ sung, còn nếu phát hiện thừa thì phải buộc CBCC giải trình. Trong trường hợp này, nếu không giải trình được thì phải có các biện pháp xử lý, bao gồm xử lý hình sự. 

Công khai ở đâu?

Trước những ý kiến đề nghị công khai tài sản của CBCC lên mạng và các phương tiện truyền thông đại chúng, ông Hà cho rằng  việc làm này cần cân nhắc vì nếu quy định như vậy có thể mâu thuẫn với quyền bí mật đời tư của cá nhân. Do đó, khi chỉnh lý Luật PCTN tới đây, nếu quy định này không “vênh” với các quy định hiện hành thì có thể bổ sung để tạo cơ chế cho người dân và báo chí giám sát vấn đề tài sản của CBCC. Bên cạnh đó, tài sản CBCC kể cả khi đã được công khai trên mạng thì cũng chỉ người dân ở địa phương và cùng cơ quan mới có điều kiện để xác minh, còn người dân ở xa rất khó có điều kiện thực hiện được. Vì thế, trước mắt, ông Hà đề nghị chỉ nên công khai tài sản của CBCC ở cơ quan và nơi cư trú của họ. 

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) cho rằng: “Không thể giải thích qua quýt là tài sản đó do  ông anh, bà chị, cô em kết nghĩa cho/biếu/tặng là xong chuyện. Mọi CBCC, viên chức phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước về tài sản của mình và không coi đó là quyền bí mật đời tư”. Tán đồng, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH đề nghị: “Thay vì đưa các thông tin như vậy lên truyền thông thì có thể thực hiện giải pháp như ai có nguyện vọng, nhu cầu muốn kiểm tra tài sản của CBCC nào thì đề nghị cơ quan quản lý CBCC đó hoặc chính CBCC đó công khai. Còn về việc kê khai tài sản thời gian tới cần chú ý thực hiện làm sao để đảm bảo kê khai cho đúng, cho đủ, không để xảy ra các trường hợp dối trá”. 

Đọc thêm