Mở rộng đường và nỗi tiếc nuối cây xanh

(PLO) - Để thực hiện mở rộng dự án đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, UBND TP Hà Nội quyết định chặt hạ, di chuyển hơn 1.300 cây xanh nằm hai ven đường Phạm Văn Đồng khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối.
Mở rộng đường và nỗi tiếc nuối cây xanh

Theo Quyết định 3099 của UBND TP Hà Nội, dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội - Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, để thi công tuyến đường này, hơn 1.300 cây xanh thuộc diện phải đánh chuyển, di dời, chặt hạ trước ngày 30/9. Theo quan sát của phóng viên, hai hàng cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng chạy dài từ chân cầu vượt Mai Dịch đến điểm giao Phạm Văn Đồng – Nguyễn Hoàng Tôn đã có tuổi đời hàng chục năm, chủ  yếu là thân cây xà cừ.

Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 là một trong những công trình trọng điểm của TP Hà Nội được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020. Điểm đầu là ngã tư Mai Dịch và điểm cuối là cầu Thăng Long. Tổng mức đầu tư của dự án là 3.113 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách.  Theo dự án, tuyến đường dài 5,5km được mở rộng mặt cắt ngang từ 56 lên 93 m, mỗi bên 6 làn xe cơ giới và 5 cầu vượt đi bộ. Như vậy, toàn bộ cây xanh hai bên đường sẽ bị chặt hạ để phục vụ thi công dự án. Hiện tại các cây này đã được đánh số, cũng theo tính toán, đơn vị thi công sẽ phải chặt hạ 1.000 cây, di chuyển 158 cây, cắt tỉa 142 cây.

Theo ghi nhận, hai bên đường Phạm Văn Đồng nhiều ngày nay đã được tiến hành giải phóng mặt bằng và bắt đầu thi công việc mở rộng đường vành đai 3. Để mở rộng tuyến đường, Hà Nội phải thu hồi trên 390.000m2 đất. Nhiều máy móc phục vụ đã được hoạt động trong công trường quây bằng tôn kín ngay giáp hàng cây ngăn cách với tuyến đường Phạm Văn Đồng hiện tại.

Đường Phạm Văn Đồng trồng nhiều nhất là xà cừ còn lại là loại cây phượng, sấu, hoa sữa... Xà cừ có đường kính khá lớn và được trồng khoảng chục năm trở lại đây. Theo đó, hàng cây hai bên đường tỏa bóng lớn, điều hòa nhiệt độ nhất là thời điểm mùa hè lên đến 40 độ C. Vì thế, nhiều người dân không khỏi tiếc nuối khi biết tin chặt hạ và di dời cây xanh.

“Tôi sống ở đây đã hai chục năm từ khi cây còn bé, chủ yếu là trồng xà cừ và cây sấu, giờ hai hàng cây to bằng cả người ôm mà phải chặt đi làm đường thật là tiếc” – bà Nguyễn Hòa sống tại phường Cổ Nhuế chia sẻ. “Có hai hàng cây to rợp bóng mà khi ra đường tôi vẫn cảm thấy nóng, không biết khi chặt đi rồi nhiệt độ còn tăng đến thế nào nữa. Tôi nghĩ làm đường rộng ra cũng tốt nhưng cũng có thể để lại hàng cây coi như dải phân cách sẽ đỡ tiếc” – chị Linh (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) chia sẻ.

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã mời các chuyên gia sinh học, các giảng viên, chuyên gia thuộc Đại học Nông Nghiệp đến để tham vấn ý kiến về việc chặt hạ, di chuyển cây xanh phục vụ việc thực hiện dự án. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Việc mở rộng đường Phạm Văn Đồng và xây dựng đường trên cao sẽ giúp hành lang giao thông lên phía Bắc thông thoáng, tránh tình trạng ùn tắc, quá tải như hiện nay. Song việc phải chặt hạ và di dời hàng nghìn cây xanh hai bên đường để lại nhiều tiếc nuối và là điều đáng lo ngại cho người dân sống tại Thủ đô khi mà thiếu đi cây xanh thì nhiệt độ vào mùa hè sẽ  ngày càng tăng cao.

“Bắt buộc phải làm để phục vụ dự án xây dựng hạ tầng giao thông”
 

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng qua (5/6), Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết: “Hà Nội đang lấy ý kiến về việc đánh chuyển, chặt hạ 1.300 cây xanh. Ai cũng muốn giữ lại hàng cây trên đường Phạm Văn Đồng, nhưng chạy đường trên cao thì không giữ nổi. TP sẽ bàn với Bộ Giao thông Vận tải. Tôi đã chỉ đạo sau khi lấy ý kiến nhân dân thì phải có trả lời rõ ràng”.

Bí thư cho biết thêm, việc di dời cây chi phí khá cao; ngoài ra công tác bảo quản phải quan tâm đến kỹ thuật để bảo đảm tỷ lệ sống cao nhất, dù thực tế không tuyệt đối được. "Thực tế, các dự án đầu tư xây dựng khi làm phương án giải phóng mặt bằng đều lấy ý kiến người dân. Cây bị chặt đi thì ai cũng tiếc bởi mình đang còn phải trồng thêm. Nhưng trong quá trình phát triển, chỗ nào cần di dời cây thì bắt buộc phải làm, không thể dừng lại... Phương án quy hoạch đầu tư xây dựng dự án cũng đã tránh tối đa các vùng cây xanh, công viên, hồ nước..." - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Về phía Thành uỷ, theo chương trình phát triển vẫn theo kế hoạch phát triển đô thị xanh sạch đẹp, bảo tồn và TP đã có nghị quyết riêng về môi trường. Với yêu cầu dừng việc đánh chuyển, chặt hạ 1.300 cây xanh ở đường Phạm Văn Đồng, ông Hoàng Trung Hải cho rằng: “Nếu chứng minh được việc ấy là cần thiết, bắt buộc phải làm thì phải di dời, bảo tồn tối đa. Cũng phải lấy ý kiến xem có phương án nào khác hay không”.

Đọc thêm