“Mổ xẻ” sự thật lịch sử và pháp lý về Hoàng Sa- Trường Sa

(PLO) - Hội thảo “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” khai mạc sáng 20/6, tại TP. Đà Nẵng do Đại học Đà Nẵng và Trường đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) phối hợp tổ chức. PGS.TS. Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, PGS.TS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Trường đại học Phạm Văn Đồng và GS. Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á đồng chủ trì Hội thảo.
“Mổ xẻ” sự thật lịch sử và pháp lý về Hoàng Sa- Trường Sa
100 đại biểu bao gồm các học giả quốc tế và Việt Nam, học giả người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu đến từ Mỹ, Nga, Úc, Ấn Độ, Đức, Nhật, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc…tham dự.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, PGS.TS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng trường Đại học Phạm Văn Đồng cho biết: “Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” là sự tiếp nối thành công của Hội thảo về hai quần đảo được tổ chức tại Quảng Ngãi tháng 4/2013. Điều này cho thấy chủ đề này vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước; đồng thời cũng cho thấy sự đóng góp của các ý kiến trong cuộc hội thảo đối với xu thế chung của khu vực Đông Nam Á và thế giới, đó là hướng tới sự phát triển hòa bình và ổn định và thịnh vượng chung cho khu vực Biển Đông.
Hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông hết sức phức tạp sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, nhằm hiện thực hóa yêu sách phi lý “đường lưỡi bò”.

PGS.TS Phạm Đăng Phước nhấn mạnh: “Hành động này của Trung Quốc là một bước leo thang mới vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”.

Các đại biểu trình bày tham luận của mình
Các đại biểu trình bày tham luận của mình 
Sau Lễ khai mạc, các đại biểu bước vào các phiên thảo luận trong ngày 20/6, gồm 2 phiên. Cụ thể, phiên 1: Sự thật tranh chấp tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những tác động đối với hòa bình, an ninh khu vực, với các tham luận: “Tranh chấp Hoàng Sa: Vấn đề địa chính trị và vai trò của luật pháp quốc tế trong việc thúc đẩy hợp tác” của học giả GS. Carl Thayer; Thủ đoạn “ngư phủ - tàu lạ” của Trung Quốc sử dụng để lấn dần từng bước, rồi thực hiện một cuộc “tiểu chiến tranh” cướp đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - qua tư liệu lưu trữ của chính quyền VNCH 1954-1975, của học giả Lưu Anh Rô, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng; “Câu chuyện về đường 9 đoạn: Quá khứ, hiện tại và tương lai”, học giảDaniel Schaeffe, Chuyên gia của Bộ Quốc phòng Pháp, chuyên nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông; “Mối liên hệ của Học thuyết Stimson ởĐông Á thế kỷ 21: Sự không công nhận như một biện pháp thách thức Trung Quốc gia tăng xâm chiếm Biển Đông”, của học giả Renato De Castro, Đại họcDe La Salle, Philippines; “Sự ép buộc được điều chỉnh tăng lên ở Biển Đông”, của học giảPatrick Cronin,Trung tâm Nghiên cứu an ninh Mỹ mới – CNAS, trình bày.
Ngoài ra, các tham luận về vấn đề hướng tới một khu vực hòa bình, an ninh cũng được nêu ra như: “Cuộc chiến pháp lý hay cuộc chiến quân sự? Hãy để cơ chế tòa án làm dịu các tranh chấp ở châu Á” do ông Jerome Cohen, Giáo sư, Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ - Châu Á, ĐH Luật New York; “Giải pháp cho đụng độ ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị những tính toán chiến lược của Trung Quốc ngăn trở: Triển vọng”, do ông Subhash Kapila, Cố vấn các vấn đề chiến lược Nhóm Nghiên cứu Đông Nam Á (Ấn Độ); “Tăng cường cách tiếp cận khu vực đối với tranh chấp Hoàng Sa”, do ôngGregory Polin, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS); “Từ lịch sử thế kỷ 20 đến địa chính trị hiện tại: Hướng tới hợp tác và cùng phát triển trong khu vực Hoàng Sa và Trường Sa vì hòa bình, an ninh khu vực và thế giới”, học giả Julie Nguyễn, Cao đẳng Centennial, Toronto (Canada); “Sự giao thoa: Châu Âu và những cuộc xung độtở Biển Đông - Vấnđề và Kiến nghị”, học giả Gerhard Will, Chuyên gia Đông Nam Á và châu Á của Quỹ khoa học và chính trị (SWP), Viện Chính trị và An ninh quốc tế Đức, đã bày tỏ quan điểm tại Hội thảo.

Phiên 2: Triển vọng giải quyết tranh chấp Hoàng Sa - Trường Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế, các nội dung chính gồm: Các bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; Giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa theo luật pháp quốc tế, do các chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày.

Với 34 tham luận của các học giả quốc tế và Việt Nam đã được gửi đến hội thảo “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử”, trong đó có nhiều công trình nghiên cứu về Biển Đông công phu được trình bày. Hội thảo sẽ bế mạc vào chiều cùng ngày./.
Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tại Hội thảo này...

Đọc thêm