Mổ xẻ trách nhiệm vụ 10 năm ngồi tù oan ở Bắc Giang

10 năm tù ngục, gia đình tan nát, con cái phải bỏ học, vợ bị tâm thần... đây là cái giá quá đắt cho một người con liệt sĩ - ông Nguyễn Thanh Chấn, trước cách làm việc thiếu trách nhiệm, yếu kém, vô cảm của cơ quan công an, viện kiểm sát và các cấp tòa tại tỉnh Bắc Giang. Số phận của một con người đã bị vùi dập đến tận cùng.

Viện kiểm sát thừa nhận oan sai

Sáng nay 5-11, Chánh Văn phòng Viện KSND Tối cao Nguyễn Việt Hùng nói về trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn đã cho rằng đây là sai sót khách quan, một bài học mà Viện KSND Tối cao sẽ họp tất cả ban ngành để rút kinh nghiệm. 

Trong buổi họp báo sáng nay, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết: “Đây mới là kháng nghị tái thẩm, mọi việc đều phải chờ phán quyết của TAND Tối cao trong phiên tái thẩm vào ngày mai. Viện cũng xác định nếu ông Chấn bị oan, những người liên quan làm sai phải chịu trách nhiệm.

Vụ án Nguyễn Văn Chấn xảy ra cách đây hơn 10 năm, quá trình tố tụng giải quyết rất phức tạp, qua rất nhiều công đoạn với nhiều nội dung liên quan kháng nghị tái thẩm, xử lý đơn.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao đến thời điểm này mới thụ lý vụ án Nguyễn Thanh Chấn? Thực tế, cơ quan tố tụng pháp luật cũng đều mong muốn các quyết định của mình là đúng, có hiệu quả. Trong trường hợp này xét về góc độ chủ quan, không ai muốn làm oan cho anh Chấn. Đây là sai sót về mặt khách quan.

Chúng ta phải lấy đó là một điều để rút kinh nghiệm, làm sao lỗi này không xảy ra nữa. Đây là một bài học xác đáng không riêng chỉ với ngành kiểm sát mà đối với tất cả các cơ quan tố tụng như kiểm sát viên, điều tra viên…”

Nỗi đau không nói thành lời
Người nhà ông Chấn òa khóc khi đón ông về nhà
 Người nhà ông Chấn òa khóc khi đón ông về nhà

“Hơn 10 năm trong tù, tôi chỉ kêu oan. Cứ ngủ thì thôi, thức lúc nào là tôi kêu oan lúc đó. Nhiều lần cứ muốn buông xuôi nhưng không chết được. Trong tù, tôi vẫn khấn vong linh bố, mong được minh oan” - ông Chấn nói rồi bất chợt khóc hu hu như đứa trẻ.

Ông Chấn cho biết đã gửi đơn kêu oan nhiều nơi như Văn phòng Chính phủ, Quốc hội, VKSND, TAND…, cứ ai giới thiệu, hướng dẫn là làm theo. “Ở trong tù khổ lắm, lúc nào cũng nghĩ đến mẹ và vợ con ở nhà…” - ông Chấn kể trong nước mắt.

Theo người thân của ông Chấn, sau khi ông đi tù, các con đi học bị bạn bè kỳ thị nên đã lần lượt nghỉ; mẹ ông trông coi quán tạp hóa cũng thường xuyên bị chửi bới, miệt thị; vợ ông phải điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 năm nay do nghĩ ngợi quá nhiều. Con gái lớn của ông sang Đài Loan theo diện xuất khẩu lao động được 4 năm và kiên quyết: “Bố không về được thì con không về nước, không bao giờ nghĩ đến việc lấy chồng”.

Mặc cho ông Nguyễn Thanh Chấn kêu oan suốt từ phiên sơ thẩm tới phúc thẩm song TAND Bắc Giang rồi TAND Tối cao vẫn tuyên phạt tù chung thân về tội “Giết người” đến khi hung thủ thực sự ra đầu thú thì người đàn ông này mới được trả tự do hôm 4/11 sau 10 năm tù oan uổng.

Án oan trách nhiệm thuộc về ai?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời báo chí
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời báo chí

Trao đổi, bình luận về án oan này trong giờ nghỉ buổi làm việc sáng 5/11 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, vụ việc liên quan ông Nguyễn Thanh Chấn do đã có bản án nên trách nhiệm là của tòa án.

Trước câu hỏi về vấn đề bồi thường cho ông Chấn được đặt ra trong vụ án, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, tiền bồi thường lấy từ ngân sách. Còn cá nhân để xảy ra sự việc có trách nhiệm phải bồi hoàn.

Ông Cường nhận định nguyên nhân dẫn đến vụ việc không phải cố ý mà do nguyên tắc suy đoán vô tội không được thực hiện, áp dụng chặt chẽ chỉ xử theo lời khai tài liệu điều tra. “Phải nói rằng không có nền tư pháp nào chính xác 100% nhưng để lọt những cái sơ đẳng này tôi cho là do việc tranh tụng ở tòa chưa được thấu đáo”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói.

Đọc thêm