Mong Ấn Độ đóng góp tích cực việc giải quyết tranh chấp trên biển

(PLO) - Trong 2 ngày 17-18/3/2016, cuộc họp Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN-Ấn Độ lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Lê Hoài Trung và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Ấn Độ Preeti Saran đồng chủ trì cuộc họp.
Mong Ấn Độ đóng góp tích cực việc giải quyết tranh chấp trên biển

Đây là cuộc họp đầu tiên Việt Nam đồng chủ trì với Ấn Độ kể từ khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ từ tháng 8/2015 đến tháng 8/2018. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh ASEAN đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới với việc hình thành Cộng đồng ASEAN từ ngày 31/12/2015. Ấn Độ hiện là một trong những đối tác chiến lược của ASEAN. Quan hệ ASEAN-Ấn Độ phát triển khá toàn diện trong nhiều lĩnh vực trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều Ấn Độ-ASEAN tăng 4,6%, từ hơn 68 tỷ USD năm 2011 lên gần 72 tỷ USD năm 2012, năm 2013-2014 đạt 74,3 tỷ USD.

Tại cuộc họp, về kinh tế, hai bên phấn đấu đạt mục tiêu 200 tỷ USD vào năm 2025 thông qua triển khai hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa ASEAN và Ấn Độ. ASEAN đánh giá cao Ấn Độ ủng hộ hợp tác kết nối với ASEAN và sớm triển khai khoản tín dụng 1 tỷ USD của Ấn Độ nhằm tăng cường kết nối hạ tầng cứng và kết nối số giữa Ấn Độ và ASEAN. Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, hai bên tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và ASEAN có nhu cầu như công nghệ thông tin, công nghệ vũ trụ... Cuộc họp cũng sơ bộ nhất trí về Biên bản ghi nhớ thành lập Trung tâm ASEAN-Ấn Độ.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định, với vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ, Việt Nam sẽ hết sức nỗ lực đóng góp vào tăng cường quan hệ hai bên. Về vấn đề biển Đông, tại cuộc họp, các nước đều bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến phức tạp và căng thẳng ngày càng gia tăng ở biển Đông, nhấn mạnh việc phải thực hiện kiềm chế, nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC).

Đọc thêm