Mong muốn Quốc hội Việt - Nhật tăng cường hợp tác tạo thành sức mạnh

(PLO) - Chiều qua (7/12), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Yamazaki Masaaki đang ở thăm Việt Nam. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chào mừng Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Yamazaki Masaaki tới thăm Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chào mừng Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Yamazaki Masaaki tới thăm Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt chào mừng ngài Yamazaki Masaaki tới thăm Việt Nam mang theo tình cảm tin cậy, hữu nghị và đoàn kết giữa hai nước, hai Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chuyến thăm của Đoàn càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh hai nước đang tăng cường thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng mà hai bên cùng quan tâm.
Vui mừng được tới thăm Việt Nam lần đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản, ngài Yamazaki Masaaki cảm ơn sự động viên, hỗ trợ của Việt Nam khi Nhật Bản xảy ra động đất vào năm 2011. Đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam thời gian qua, ngài Yamazaki Masaaki khẳng định Thượng viện Nhật Bản và cá nhân mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa để quan hệ chiến lược giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Trên tinh thần hợp tác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Thượng viện Nhật Bản quan tâm, ủng hộ việc triển khai, thực hiện các thỏa thuận cấp cao về kinh tế; thúc đẩy Chính phủ Nhật Bản tiếp tục duy trì ODA ở mức cao giúp Việt Nam phát triển bền vững, hoàn thành mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Việt Nam mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với Nhật Bản, đặc biệt trong các lĩnh vực tư pháp, giáo dục, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đào tạo nhân lực, công nghệ cao cũng như đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn hai nước, hai Quốc hội tăng cường hợp tác tạo thành sức mạnh, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 và các quy tắc ứng xử trên biển Đông.

Đọc thêm