'Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng'

(PLO) - Trình bày thẩm tra báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban (UB) Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, các vụ án khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa tương xứng với thực trạng tham nhũng; một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng cho bộ máy do tham nhũng, lợi ích nhóm...
 
'Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng'

Cũng theo báo cáo thẩm tra được Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội trình bày, sáng nay, 6/11), trong công tác phòng chống tham nhũng, tỷ lệ thu hồi tài sản vẫn còn thấp; còn đối tượng phạm tội tham nhũng, kinh tế bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận. Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với một số vụ án tham nhũng lớn, dư luận quan tâm tuy đã có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung còn nhiều và có chiều hướng gia tăng.

Cũng theo UB Tư pháp Quốc hội, kết quả các đoàn kiểm tra, giám sát ở địa phương của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng trong những năm gần đây cho thấy, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã, cấp huyện hoặc những vụ tham nhũng, kinh tế lớn do cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra.

Đặc biệt, UB Tư pháp cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm ở khu vực tỉnh: “Nhìn chung thì ở cấp tỉnh, ở một số bộ, ngành, việc phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng còn ít, trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những khu vực này vẫn còn nghiêm trọng, nhất là ở một số bộ, ngành có thẩm quyền phân bổ các nguồn lực đầu tư, tài chính, xét duyệt dự án, công trình, quản lý cấp phép về khai thác khoáng sản, xuất nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu… hoặc ở những tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn, khai thác tài nguyên, khoáng sản, có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia”, bà Nga nói.

UB Tư pháp nhận định việc tự phát hiện tham nhũng trong các cơ quan đơn vị vẫn là khâu yếu nhiều năm nay. Khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại 6 tỉnh thì chỉ có 1 tỉnh phát hiện ra tham nhũng. Trên phạm vi cả nước chỉ phát hiện được 15 vụ. Mặt khác, trong khi tình hình tham nhũng vẫn được đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trên diện rộng là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm tham nhũng. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm nhưng không bị áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào, cá biệt có địa phương qua hoạt động thanh tra kiến nghị xử lý 971 người thì có đến 940 người được “phê bình nghiêm khắc”, “kiểm điểm rút kinh nghiệm”.

Nhận xét nguyên nhân của những tồn tại, UB Tư pháp tán thành với đánh giá rất nghiêm túc của Chính phủ về những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác PCTN và cho rằng, hiện nay việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng còn chưa nghiêm.

Ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn, “một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng cho bộ máy do tham nhũng, lợi ích nhóm”.

“Một số cán bộ, công chức còn có dấu hiệu tiếp tay, bảo kê cho doanh nghiệp. Nếu như trước đây, tình trạng “lợi ích nhóm”, sân sau mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri, nhưng qua một số vụ án lớn được xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho thấy những nghi ngờ của dư luận cử tri là có căn cứ. Việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu”, báo cáo chỉ rõ.

Từ thực trạng trên, UB Tư pháp kiến nghị Chính phủ, các ngành, các cấp cần tiếp tục chú trọng phòng, chống tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trong đó tập trung vào việc nhận diện, chỉ ra những biểu hiện cụ thể của loại hình tham nhũng này để kịp thời phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng lớn.

“Nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua, trong khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng công khai thường xuyên, đúng thời hạn các kết luận kiểm tra và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao thì việc công khai kết luận của cơ quan thanh tra còn chậm, cá biệt một số nội dung kết luận thanh tra chưa nhận được sự đồng tình của cả đối tượng bị thanh tra và dư luận” – báo cáo thẩm tra nêu rõ và đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.

Cũng theo báo cáo thẩm tra, một số trường hợp việc chuyển đổi vị trí công tác, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ còn thiếu minh bạch, có biểu hiện tiêu cực, “chạy chức, chạy quyền”; có trường hợp điều động, bổ nhiệm cán bộ thiếu nhiều điều kiện, tiêu chuẩn, bố trí người thân trong gia đình vào vị trí vi phạm pháp luật  phòng chống tham nhũng ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước … Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của nhân dân về công tác phòng chống tham nhũng 

Trong báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước khi xây dựng chương trình công tác hàng năm cần chú trọng kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tại các khu vực này, tránh bỏ lọt tội phạm tham nhũng.

Đọc thêm