Một giảng viên phải có 10m2 diện tích làm việc: đề xuất “tốn kém, đi ngược cải cách giáo dục”?

(PLVN) - Dự thảo mới của Bộ GD&ĐT với nội dung phân chia diện tích làm việc cho người có học hàm, học vị và giảng viên đang gây nên nhiều luồng ý kiến trái chiều. PV đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM

Bộ GD&ĐT vừa công bố lấy ý kiến dự thảo lần 1 về Thông tư Quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó có nội dung đáng chú ý là định mức, tiêu chuẩn diện tích làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính và giảng viên. Ông có ý kiến gì về nội dung này?

- Theo tôi được biết, trong nội dung dự thảo, mỗi giáo sư cần có diện tích làm việc 24m2, phó giáo sư là 18m2; mỗi giảng viên chính, giảng viên cần có diện tích làm việc 10m2. Cạnh đó là các quy định về phòng nghỉ, phòng ở, phòng học… 

Thực ra, xuất phát của ý kiến này dựa trên mong muốn về đổi mới giáo dục. Những năm qua, xu thế quốc tế của việc dạy và học bậc đại học có nhiều thay đổi. Tại Việt Nam thì vẫn còn vướng bởi tư duy cũ, cách làm cũ. Từ đó, một số nhà giáo dục đã đưa ra ý kiến rằng Việt Nam đang có sinh viên ở thế kỉ 21, thầy giáo thế kỉ 20 nhưng cơ sở vật chất, tức giảng đường phòng học đang ở thế kỉ 19. Dự thảo thông tư đang lấy ý kiến vừa rồi, thực tế cũng thể hiện mong muốn cải thiện hiện trạng này. 

Tuy nhiên, theo tôi, cách “cải cách” này không những không làm cho giáo dục thay đổi, mà càng khiến cho tư duy chúng ta thụt lùi về… thế kỉ 19. Như tôi đã nói, giáo dục đại học hiện đại thế kỉ 21, sinh viên không nhất nhất phải có mặt tại lớp, giảng viên không nhất định là “người giảng” mà phải là “người hướng dẫn”. Lớp học rộng mở mọi lúc, mọi nơi. 

Thế thì cần gì đến 20m2, 10m2 cho giảng viên, rồi phòng nghỉ và các diện tích gây tốn kém như thế? Kinh phí ấy có thể sử dụng xây dựng lớp học kiểu mới, các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho cách học mới.

Thưa ông, vậy trong xu thế mới, vị trí, vai trò của sinh viên lẫn người làm công tác giảng dạy phải thay đổi như thế nào?

- Theo tôi, sự thiếu cập nhật xu thế với tư duy cũ không chỉ là tình trạng của riêng Việt Nam mà còn của nhiều nước trong khu vực. Quan niệm chung của nhiều người về cơ sở vật chất giáo dục vẫn là làm giảng đường to, rộng. Tuy nhiên, cần biết rằng giáo dục đại học những năm qua đã thay đổi rất lớn với sự ra đời của các công nghệ dạy học mới, của internet, mạng xã hội, smartphone... 

Tại Mỹ, hiện gần 70% các em sinh viên đại học tự học trên hệ thống quản lý học tập trên mạng của trường, học và tham khảo online là chính. Với sự xuất hiện của mạng 5G sắp tới đây cùng với trí tuệ nhân tạo, thì các kiến thức mà giảng viên truyền đạt theo kiểu cũ như đứng trên bục giảng chiếu bài trình chiếu lên giảng cho học trò phía dưới nghe đã và sẽ trở nên cũ kĩ. 

Giờ đây, người ta đang hướng đến việc tự học, hướng đến lớp học đảo ngược, lớp học mở rộng, nghĩa là không cố định địa điểm học tập, có thể học và kết nối giữa thầy và trò - kết nối học tập làm việc nhóm giữa các sinh viên dù ở bất cứ nơi đâu. 

Như tôi đã nói ở trên, giảng viên không còn là “người dạy” nữa mà là “người hướng dẫn”. Việc học hướng đến khuyến khích tự tìm tòi, học hỏi từ nhiều nguồn, khi đến lớp giáo viên sẽ hướng dẫn áp dụng kiến thức ấy vào công việc cụ thể thực tế như thế nào. Đồng thời trong quá trình tự học - được hướng dẫn, sinh viên cũng sẽ học hỏi được các kĩ năng như làm việc nhóm, kĩ năng giải quyết vấn đề… 

Cách thức bố trí lớp học hiện đại không còn là kiểu bố trí dãy dài, có bảng bên trên phân biệt sinh viên và giảng viên; mà cần là lớp học dạng nhỏ, bố trí cho sinh viên ngồi quây thành nhóm để phát huy tinh thần làm việc nhóm. Quan trọng là những thiết bị hiện đại phục vụ học tập như màn hình led lớn để kết nối máy tính hoặc smart phone để học, wifi phải mạnh để tải tài liệu từ trên mạng…

Tư duy đại học theo xu hướng quốc tế thế kỉ 21, giảng viên không cần đến trường nhiều mà phải thường xuyên giao tiếp với học sinh bằng mọi phương tiện hiện đại. Bên cạnh đó, giảng viên buộc phải có kinh nghiệm làm việc thực tế, đã là người từng “lăn lộn” bên ngoài thì mới đủ kiến thức hữu dụng để giảng dạy các em.

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm về quá trình đổi mới đã được áp dụng tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM?

- Những người làm công tác giảng dạy luôn cần phải trang bị kiến thức thực tế, phải đón đầu, nhìn thấy xu thế phát triển của giáo dục thế giới để mà thay đổi và bắt kịp. Cho đến nay, tôi được biết, đại đa số các trường đại học vẫn tiếp tục đầu tư cho các phòng học kiểu truyền thống. Nhiều trường vẫn còn cấm các em sinh viên sử dụng smartphone. Theo tôi, cần triệt để thay đổi tư duy này để hướng đến lớp học kiểu mới. Tương tự, mô hình lớp học cũng nên hướng tới đổi mới toàn diện, thay thế mô hình truyền thống không phù hợp. 

Tất nhiên, chuyện đổi mới không phải là dễ dàng, cũng không phải chuyện một sớm một chiều. Như kinh nghiệm cải cách từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cho thấy, chúng tôi đổi mới phải làm từng bước một. Năm đầu tiên 2013, chúng tôi có 17 giảng viên nòng cốt tham gia tập huấn phương pháp mới, năm sau con số này là 45. Và hiện nay thì tất cả các giảng viên đều sử dụng phương pháp mới trong giảng dạy, hay nói đúng hơn là hướng dẫn. 

Giờ đây sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật đang được học trong một môi trường giảng dạy mới về cả không gian lẫn cách thức. Kết quả xin việc khi ra trường của các em sinh viên trường đã cho thấy hiệu quả của sự đổi mới.

Xin cảm ơn ông!

ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM được đánh giá là một trong những trường ĐH đi đầu trong đổi mới việc dạy và học theo xu thế quốc tế. Vừa qua, một khảo sát cho thấy 96% sinh viên tại trường này sau khi ra trường 6 tháng đều có được việc làm.

Đọc thêm