“Mùa làm ăn” trên thị trường vũ khí thế giới

(PLO) - Ngày 14/12, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), các nhà sản xuất vũ khí ở Bắc Mỹ và Tây Âu vẫn chi phối thị trường vũ khí quốc tế năm 2014, song thị phần của họ đã sụt giảm trong khi các công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực này ở Nga và châu Á đang vươn lên.
Thị trường vũ khí đang trở nên sôi động
Thị trường vũ khí đang trở nên sôi động
Tổng doanh thu của 100 công ty chế tạo và bảo dưỡng vũ khí lớn nhất thế giới đã sụt giảm năm thứ tư liên tiếp, giảm 1,5% từ năm 2013 còn 401 tỷ USD. Công ty chế tạo vũ khí dẫn đầu hiện nay là Lockheed Martin (Mỹ) với doanh thu tăng 3,9%, đạt mức 37,5 triệu USD trong năm 2014.
Âu, Mỹ giảm doanh thu
Các công ty ở Tây Âu và Bắc Mỹ tiếp tục chiếm đa số trong top 100 công ty chế tạo vũ khí hàng đầu thế giới, chiếm 80% thị phần. Tuy nhiên, doanh thu của các công ty chế tạo vũ khí Tây Âu và Mỹ đã giảm 3,2% trong giai đoạn 2013-2014. 
Siemon Wezeman - nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình Mua sắm Vũ khí và Thiết bị Quân sự của SIPRI - nói: “Tại Tây Âu, phần lớn chi tiêu quân sự là của Chính phủ. Việc cắt giảm mua sắm vũ khí dễ dàng hơn nhiều so với cắt giảm lương cho quân nhân, bởi vậy cách nhanh nhất để cắt giảm chi tiêu quân sự đó là giảm mua vũ khí”. 
Vùng Trung Đông đang “nổi” lên như một thị trường béo bở nhất cho các nhà sản xuất vũ khí Âu Mỹ. Theo tờ “New York Times”, Lầu Năm Góc (Mỹ) mới đây đã ký kết một hợp đồng trị giá 1 tỷ USD với Saudi Arabia để cung cấp một lượng lớn vũ khí, chủ yếu là tên lửa dùng cho máy bay tiêm kích F-15. 
Việc Washington bán vũ khí cho Saudi Arabia đã được thông báo trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên vừa qua của Nhà vua Saudi Arabia Salman Bin Abdulaziz Al Saoud kể từ khi lên ngôi hồi tháng 1/2015. Hợp đồng vũ khí trên chỉ là một trong nhiều lời hứa hẹn mà Lầu Năm Góc dành cho Saudi Arabia. Năm 2010, chính quyền Obama đã thông báo một hợp đồng trị giá 60 tỷ USD trong 20 năm, thương vụ vũ khí lớn chưa từng thấy của Mỹ. 
Trong thương vụ này, Mỹ sẽ cung cấp cho Saudi Arabia 84 máy bay chiến đấu F-15 mới và 70 máy bay lên thẳng tấn công mới Apache. Ngoài ra, chính quyền Saudi Arabia hiện đang thương lượng với Lầu Năm Góc về việc mua 2 tàu hộ tống chống ngầm do Tập đoàn Lockheed Martin chế tạo, trị giá hơn 1 tỷ USD, làm cơ sở cho việc nâng cấp hạm đội tàu chiến của Saudi Arabia. Hai bên cũng đang thương thảo một hợp đồng khác trị giá 1,9 tỷ USD (chuyển giao 10 máy bay lên thẳng MH-60R Seahawk cho Saudi Arabia) sẽ được ký trước cuối năm nay. 
Trước đó, vào cuối tháng 7 vừa qua, Lầu Năm Góc đã đồng ý bán cho Saudi Arabia 600 tên lửa Patriot, hơn một triệu viên đạn, mìn và lựu đạn với tổng giá trị là 5,4 tỷ USD. Riêng năm 2014, Saudi Arabia đã dành khoảng 80,8 tỷ USD cho quốc phòng và một phần đáng kể trong số đó được dành để mua vũ khí của Mỹ.
Nhiều nước đổ xô đi mua vũ khí Mỹ
Nhiều nước đổ xô đi mua vũ khí Mỹ 
Nga “tạo làn sóng”
Trong khi đó, 36 công ty đại diện cho phần còn lại của ngành công nghiệp chế tạo vũ khí thế giới trong bản danh sách của SIPRI lại có doanh thu tăng 25%, chủ yếu là bởi doanh thu bán vũ khí của các công ty Nga tăng gần 50%. Ông Wezeman nói: “Các công ty Nga đang tạo ra “làn sóng” tăng cường mua sắm và xuất khẩu vũ khí”. 
Tăng trưởng doanh thu hàng năm của 11 công ty Nga trong danh sách của SIPRI cộng lại là 48,4% trong giai đoạn 2013-2014. Công ty hàng đầu của Nga trong danh sách này là Almaz-Antey, xếp thứ 11 với doanh thu 8,84 tỷ USD. Nhà sản xuất Almaz-Antey đã chế tạo ra tên lửa BUK - vũ khí được cho là đã được sử dụng để bắn hạ chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines hôm 17/7/2014 ở Ukraine. 
Hầu hết các vũ khí của Nga sản xuất được chuyển giao cho lực lượng vũ trang của chính nước này, tuy nhiên, Nga cũng có các khách hàng lớn trên khắp thế giới, gồm Ấn Độ và Trung Quốc - cả hai đều là nhân tố quan trọng trong cuộc chạy đua vũ trang. Ông Wezeman cho biết Moskva cũng cung cấp vũ khí cho Syria từ thời Xô Viết, mặc dù Damascus hiện nhận được rất ít vũ khí. Sau cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm làm 250.000 người chết và hàng triệu người tha hương, Syria giờ không còn tiềm lực tài chính để mua vũ khí từ Nga. 
Nguồn thu từ vũ khí của Nga dường như không bị tác động bởi các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Moskva sau vụ thôn tính Crimea hồi tháng 3/2014. Các quan chức ngành vũ khí cho biết các lệnh trừng phạt đơn thuần chỉ khiến Nga tìm kiếm thị trường mới và phát triển công nghệ mới. 
Tuy nhiên, doanh thu từ vũ khí của Ukraine đã giảm 37,4% bởi cuộc xung đột với Nga. Ông Wezeman nói: “Sự sụt giảm đáng kể trong doanh thu của các công ty chế tạo vũ khí của Ukraine chủ yếu là bởi sự ngưng trệ do cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, việc mất đi thị trường Nga và đồng nội tệ mất giá”. 
Nhà chế tạo vũ khí quốc doanh UkrOboronProm của Ukraine đã tụt từ vị trí thứ 58 trong năm 2013 xuống thứ 90 trong năm 2014, với doanh thu giảm 50,2%, còn 840 triệu USD. Một công ty khác của Ukraine là Motor Sich vốn đứng trong top 100 trong năm 2013 hiện đã ra khỏi danh sách. 
Trong khi đó, các nhà sản xuất vũ khí mới nổi tiếp tục tăng cường hiện diện. Hai công ty sản xuất vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong top 100, gồm ASELSAN có doanh thu tăng 5,6% trong năm 2014 nhưng đã tụt hạng từ mức 66 xuống thứ 73, và Công ty Công nghiệp Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) xếp thứ 89 với tăng trưởng doanh thu ở mức 15,1%. Pieter Wezeman - nhà nghiên cứu khác ở SIPRI - nói: “Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách tự chủ hơn trong việc cung cấp vũ khí và việc này cùng động lực xuất khẩu mạnh mẽ đã góp phần vào sự tăng trưởng nhanh chóng trong doanh thu của ASELSAN và TAI”. 
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Nga
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Nga 
Châu Á - thị trường “nóng”?
Các công ty chế tạo vũ khí và thiết bị quân sự của Hàn Quốc cũng có mức tăng trưởng trong năm 2014 với tổng doanh thu tăng 10,5% so với năm 2013. Công ty Hàn Quốc mới nhất lọt vào top 100 là Hyundai Rotem - nhà sản xuất xe quân sự - có doanh thu tăng từ 430 triệu USD năm 2013 lên 770 triệu USD năm 2014. Tổng cộng có 15 công ty chế tạo vũ khí của châu Á, nhưng không có nhà sản xuất nào của Trung Quốc, lọt vào danh sách của SIPRI. Viện nghiên cứu này đã không đưa các nhà sản xuất vũ khí của Trung Quốc vào danh sách bởi thiếu hụt các số liệu đáng tin cậy.
Tuy nhiên, dù quy mô còn tương đối nhỏ, với tổng giá trị chỉ từ 2-3 tỷ USD mỗi năm, theo số liệu thống kê của SIPRI, song thị trường vũ khí Đông Nam Á là thị trường phát triển nhanh chóng và là một trong những thị trường mở và cạnh tranh thực sự (so với Ấn Độ có truyền thống mua phần lớn vũ khí từ Liên Xô/Nga, hay Nhật Bản và Hàn Quốc phụ thuộc ít nhiều vào thị trường công nghiệp quốc phòng Mỹ).
Ngành công nghiệp quốc phòng Israel xuất khẩu hơn 75% sản lượng của mình, trong khi các nước như Trung Quốc, Ukraine và Hàn Quốc tiếp thị vũ khí do họ sản xuất ngày càng mạnh mẽ. Một số hệ thống vũ khí hiện đại nhất đang được phổ biến trong khu vực, với rất nhiều nguồn cung. 
Nga đã bán máy bay Su-30 cho Indonesia, Malaysia và Việt Nam; Indonesia cũng đang mua 24 máy bay F-16 cũ từ Mỹ. Philippines đặt hàng 12 máy bay tiêm kích FA-50 từ Hàn Quốc, trong khi Thái Lan mua 12 máy bay Gripen của Thụy Điển. Hải quân các nước khu vực cũng mua tàu ngầm từ Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nga và Thụy Điển cũng như các hệ thống trên bộ từ Trung Quốc, Pháp, Đức, Hà Lan, Nga, Hàn Quốc và Anh.
Lục quân Đông Nam Á thậm chí còn thu hút nhiều sự chú ý hơn. Lục quân Malaysia vận hành tăng của Ba Lan; xe thiết giáp từ Anh, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ; dàn hỏa tiễn (MRL) của Brazil; pháo của Nam Phi; vũ khí chống tăng của Pakistan, Nga, Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ; tên lửa đất đối không (SAM) từ Nga, Trung Quốc, Pakistan và Anh. Lục quân Indonesia được trang bị tăng Đức; xe thiết giáp của Pháp và Hàn Quốc; vũ khí chống tăng của Nga, Thụy Điển và  Mỹ; SAM của Trung Quốc, Pháp, Thụy Điển, và hiện đặt hàng MRL từ Brazil. 
Không nhà cung cấp nào chiếm thế áp đảo tại thị trường vũ khí Đông Nam Á. Trên thực tế, không nước nào chiếm quá 10% thị phần trong thập kỉ qua, theo số liệu của SIPRI, ngoại trừ duy nhất Nga với 44% thị phần. Từ những khía cạnh này, người ta có thể suy luận rằng thị trường vũ khí Đông Nam Á ngày càng trở nên thông dụng hơn. Thực tế cho thấy do năng lực của các hệ thống vũ khí này được đánh giá tương đối cân bằng, giá cả chính là động lực đằng sau các thương vụ đó. 
Sự thông dụng chắc chắn sẽ giúp các nhà cung cấp mới, như Brazil, Ba Lan và Hàn Quốc đột phá vào thị trường vũ khí Đông Nam Á. Nó cũng giải thích tại sao Nga lại có thể có nhiều cơ hội xuất khẩu vũ khí trong khu vực, đặc biệt là máy bay tiêm kích. Tuy nhiên, do năng lực tương đối như nhau, giá cả không phải lúc nào cũng là yếu tố lớn nhất  mà thay vào đó là một loạt yếu tố khác như tính khả tín, hỗ trợ hậu mãi (phụ tùng thay thế và nâng cấp), chuyển giao công nghệ và bù trừ (như bản quyền sản xuất)…
Bên cạnh đó, các nước cũng có thể mua từ một nguồn cung riêng để đạt mục tiêu chính trị và/hoặc quân sự cụ thể, như củng cố đồng minh, thúc đẩy tương hỗ quân sự, hay quan hệ song phương chặt chẽ hơn. Ngược lại, một nước cũng có thể lựa chọn đa dạng hóa nguồn cung để phát đi tín hiệu không muốn quá phụ thuộc vào một nhà cung cấp. 
Thị trường vũ khí Đông Nam Á có thể được xem là thông dụng hóa một phần, khi giá cả chứ không phải thương hiệu có thể thúc đẩy tiến trình ra quyết định mua vũ khí, song các yếu tố khác vẫn có tác động đáng kể. Dù có phải là thị trường thông dụng hóa hay không, thực tế cho thấy quân đội khu vực đang ngày càng mua sắm nhiều khí tài mà sẽ giúp nâng cấp và hiện đại hóa đáng kể năng lực chiến đấu của họ. Cuối cùng, đây sẽ là vấn đề tác động lớn đến an ninh và ổn định của khu vực…

Đọc thêm