Muốn đưa sự thật ở Gạc Ma đến với nhân dân

(PLO) - Thời gian đã trôi qua gần 30 năm nhưng vẫn còn đó nỗi đau dành cho người ở lại. Phóng viên đã có dịp gặp những người lính công binh trực tiếp chiến đấu bảo vệ Gạc Ma nhân dịp họ ra Hà Nội tham gia một cuộc giao lưu…
Bức tranh Gạc Ma.
Bức tranh Gạc Ma.

Chúng tôi chiến đấu từ trái tim mình

Ngược dòng lịch sử, tối 13/3/1988, quân Trung Quốc uy hiếp mạnh một số đảo của ta ở Trường Sa (Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao). Ngay trong đêm đó, Sở Chỉ huy đã chỉ thị cho bộ phận đi đóng giữ đảo quyết giữ vững mục tiêu, đồng thời chuyển vật liệu xây dựng lên đảo làm nhà.

Và ngày 14/3/1988 ấy đã ghi nhớ  64 chiến sĩ anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cũng trong sự kiện bi hùng ấy, có những chiến sĩ ở Gạc Ma đã mưu trí thoát khỏi sự truy sát và cũng có người không may bị bắt giữ, bị giam cầm.

Anh Lê Hữu Thảo (47 tuổi, sinh ra ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) là người may mắn sống sót. Tháng 12/1986, anh nhập ngũ tại Lữ đoàn 147 Quân chủng Hải quân. Đầu năm 1988, anh cùng đơn vị nhận lệnh tăng cường cho Lữ đoàn 146 đóng quân tại cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), sau đó bổ sung vào đơn vị mới, đêm 11/3/1988 lên tàu HQ604 ra đảo Trường Sa làm nhiệm vụ.

Anh Thảo chia sẻ: “Hai ngày sau, đơn vị cập bãi đá ngầm Gạc Ma và bắt đầu đối mặt với tàu chiến của Trung Quốc. Mặc dù bị lính Trung Quốc đứng cách mình chỉ 1m và chĩa súng vào người sẵn sàng bóp cò nhưng chúng tôi vẫn bình tĩnh chuyền tay nhau lá Quốc kỳ.

Và khi lá cờ đến tay người cuối cùng thì tên chỉ huy rút súng bắn chỉ thiên, ra lệnh cho quân lính nổ súng vào quân ta. Nhiều người đã ngã xuống, riêng tôi và một số đồng đội nữa sau một hồi chống cự đành phải lặn sâu xuống nước để tránh đạn”.

Sau một hồi giằng cờ và uy hiếp, tên sỹ quan chỉ huy lính Trung Quốc bắn súng chỉ thiên phát lệnh rồi chĩa thẳng vào bụng Thiếu úy Trần Văn Phương bóp cò. Anh Phương ngã xuống nhưng tay vẫn giữ chặt cán cờ để lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tiếp đó, một tên khác xông lên chĩa súng bắn vào đầu Thiếu úy Phương. Ngay lúc đó, 3 tàu chiến Trung Quốc tăng tốc, áp sát đảo, cách tàu HQ 604 chừng 300 mét.

Giữa vòng vây quân thù, Trung sỹ Nguyễn Văn Lanh chạy lên đỡ lá cờ trên tay Thiếu úy Phương và đá văng khẩu súng trên tay tên sỹ quan Trung Quốc. Một tên lính gần đó đâm lưỡi lê vào Trung sỹ Lanh. Anh gục xuống, nhưng tay vẫn ghì chặt cán cờ. 

Anh Thảo khi đó đang làm nhiệm vụ canh gác cắm cờ nhớ lại: “Họ chĩa súng vào phía quân ta và dùng tàu chạy quanh tàu HQ 604 yêu cầu chúng tôi rút lui nhưng chúng tôi vẫn đáp trả rằng đây là lãnh thổ của Việt Nam nên không rút. Chúng tôi vẫn tiếp tục công việc bình thường.

Khi cờ của ta đã bay trên đảo Gạc Ma thì bắt đầu phía Trung Quốc nổ súng và hai bên lao vào đánh nhau. Cả hai bên đều bị thương và rồi phía bên Trung Quốc bỏ chạy.

Tuy nhiên, chạy được khoảng 40-50m thì lính Trung Quốc quay lại nã súng vào quân ta. Chúng tôi có 27 lính chiến đấu, trong khi đó Trung Quốc có rất đông thủy quân, 3 tàu khu trục và 1 tàu hộ vệ tên lửa.

Chúng tôi vẫn kiên cường không rút quân. Đây là việc làm từ trong tim để bảo vệ quê hương, bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền đất nước”, cựu binh Lê Hữu Thảo rưng rưng.

Ngay sau khi im tiếng súng, anh Thảo đã một mình bơi ra cứu anh Hoàng Bùi Hải, nay là Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Tỉnh Đội Thanh Hóa và đã cùng những người sống sót khác cứu Trung sĩ Nguyễn Văn Lanh, người về sau được phong Anh hùng…

Thả hoa trên đảo Gạc Ma và “vòng tròn bất tử”.
Thả hoa trên đảo Gạc Ma và “vòng tròn bất tử”.

Không bao giờ quên lãng 

Cựu binh Nguyễn Văn Thống cho hay, anh nhập ngũ từ năm 1985, làm lính công binh, xây dựng các cầu cảng, xây dựng đảo. Ngày 11/3/1988, anh được nhận nhiệm vụ ra xây dựng tại quần đảo Trường Sa bằng tàu vận tải HQ 604.

Chiều 13/3, tàu cập cảng tại đảo Gạc Ma. Sáng 14/3, “Lúc đó tôi ở trên tàu HQ 604 quan sát thấy Trung Quốc bắn các đồng đội đang giữ cờ trên đảo Gạc Ma. Các chiến sĩ đã giằng co quyết không để chúng giật mất lá cờ” - anh Thống xúc động nghẹn ngào.

Sau đó, Trung Quốc dùng hỏa lực mạnh hơn bắn đảo Gạc Ma, bắn luôn tàu HQ 604. Anh Thống ở trên cabin và bị thương, tàu chìm, anh bị cuốn trôi vào trong tàu khi tàu chìm và bị thương. Sau đó, anh nổi lên bám được vào một miếng gỗ xây dựng và bị tàu Trung Quốc bắt cóc làm tù binh.

“Ngày 28/3/1988, gia đình tôi nhận giấy báo mất tích, đến khoảng tháng 8 cùng năm thì gia đình tôi nhận được giấy báo tử. Trong khi đó, tàu Trung Quốc đem tôi về thành phố Tràm Giang, bán đảo Lôi Châu, Trung Quốc. Tôi bị thương và ngất xỉu trong thời gian về đất liền.

“Trung Quốc bắt giam tôi 3,5 năm. Đến cuối tháng 8/1991 chúng tôi được trao trả về Việt Nam, tổng cộng có 9 người”. 

Tháng 8/1988, cha mẹ anh Thống đau đớn khi cầm tờ giấy báo tử của anh trên tay. Gia đình đã lập bàn thờ, làm lễ gọi hồn, đắp mộ gió cho anh. Suốt 28 năm qua, anh Thống cùng các đồng đội vẫn luôn giữ tờ giấy báo tử để nhắc nhở bản thân rằng mình đã được sinh ra lần thứ hai, phải sống sao cho xứng đáng với đồng đội đã hy sinh.

Cùng bị bắt giữ như anh Thống, cựu binh Lê Văn Đông chia sẻ: “Tên gọi “vòng tròn bất tử” đã diễn đạt trọn vẹn sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ. Tôi chỉ mong một ngày được trở lại Trường Sa để có thể thả một bó hoa tưởng nhớ đến những chiến sĩ đã ngã xuống vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. 

Năm 1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi Công hàm phản đối hành động của Trung Quốc. Ngày 25/3/1988, anh Thảo có mặt tại Đài Truyền hình Khánh Hòa, Đài Tiếng nói Việt Nam để nói về sự kiện này.

“Cũng tháng 3/1988, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã tới Cam Ranh thăm chúng tôi. Từ Hà Nội tới Sài Gòn đã gửi nhiều thư và quà để động viên anh em. Tôi và Nguyễn Văn Chức đại diện cho bộ đội Trường Sa nhận quà như khăn, bàn chải, khăn mặt, thư tay” - cựu binh Lê Hữu Thảo cho hay.

Sau năm 1988, vì nhiều lý do nên sự kiện Gạc Ma bị lãng quên. “Thực sự, chúng tôi có buồn và chạnh lòng một chút. Nhưng bảo vệ Tổ quốc không chỉ có chúng tôi đóng góp và hy sinh mà trên đất nước này có hàng triệu người, hàng triệu gia đình như thế. Chúng tôi cũng là một trong những thanh niên sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc lâm nguy. Nếu được lựa chọn lại, chúng tôi vẫn sẽ lên đường vì Tổ quốc", cựu binh Lê Hữu Thảo bộc bạch.

Được biết, tới đây sẽ có một bộ phim tư liệu sản xuất dựa trên những ghi chép của các cựu binh trận chiến Gạc Ma. “Nhân vật chính có tôi, đồng đội của tôi, cả những người đã hy sinh. Tôi nghĩ đó là sự ghi nhận của Nhà nước, của nhân dân.

Tôi muốn đưa sự thật, sự hy sinh của đồng đội đến với mọi người, đến với nhân dân, bởi trong dư luận, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu hết về sự kiện này, về Gạc Ma và những người lính như tôi”, anh Thảo nói.

Vâng, 64 người lính, đồng đội, bạn bè của họ mãi mãi nằm lại trong lòng biển Gạc Ma sẽ mãi mãi bất tử như lời nhắn nhủ từ trái tim của Thuyền trưởng tàu anh hùng HQ 505 Vũ Huy Lễ:  

“Chúng tôi muốn các thế hệ mai sau không bao giờ quên ngày 14/3/1988, không bao giờ quên những người đã ngã xuống vì quê hương, không bao giờ quên Gạc Ma, một phần máu thịt của Tổ quốc”…

Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc tấn công đá Cô Lin, đá Len Đao và đá Gạc Ma. Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ các đảo đá. Trung úy Trần Văn Phương quyết giữ lá cờ trên đá Gạc Ma và để lại câu nói trước khi hy sinh: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”.

Gạc Ma là bãi đá ngầm với diện tích khoảng 7,2km2. Gạc Ma có vị trí địa chiến lược rất quan trọng ở Trường Sa. Bãi đá ngầm này là nút thắt của cụm đảo Sinh Tồn và Song Tử; nằm ngay trên tuyến đường từ đất liền tới quần đảo Trường Sa, đặc biệt gần với bờ biển miền Trung Việt Nam, nơi có nhiều cơ sở kinh tế, quốc phòng và an ninh quan trọng./.

Đọc thêm