Muốn thanh niên sống tốt, lãnh đạo phải làm gương

(PLO) - Sáng 25/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc Tọa đàm góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng với chủ đề “Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ, xung kích đi đầu trong xây dựng đất nước”. 
Văn hóa có khả năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế 
Tại buổi tọa đàm do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Viện Hàn lân Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu cho rằng cần tạo dựng giá trị văn hóa lãnh đạo trong tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương, bởi một người lãnh đạo có tầm nhìn, có sự hiểu biết sâu rộng sẽ đem lại hiệu quả to lớn cho đất nước. 
Theo GS.TS Lê Hồng  Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, phải nâng cao nhận thức về vai trò, sức mạnh của văn hóa đối với sự phát triển, nhất là trong tình hình hiện nay, trong đó có vai trò làm gương của lãnh đạo cấp cao. Khi có những tấm gương tốt thì thanh niên sẽ ý thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình cũng như giữ gìn sự phát triển của văn hóa dân tộc.
Còn GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định, chúng ta ngày càng thấy rõ hơn vai trò là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và là động lực của văn hóa đối với sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta cần tạo dựng hệ giá trị văn hóa của người Việt Nam. Khát vọng cống hiến để đưa đất nước sánh vai cùng các dân tộc trên thế giới phải là niềm khao khát thường trực của người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hôm nay. 
“Chúng ta phát huy giá trị truyền thống nhưng giá trị tiên tiến của nhân loại thì không nên xem thường hoặc bỏ qua. Nhiều cái hay của thế giới văn minh nhưng vào Việt Nam thì lại không tiếp thu được hoặc bị biến thành cái khác?” - GS Thuấn băn khoăn.
Tuổi trẻ phải có chí khí 
Khẳng định vai trò của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, văn hóa là nền tảng của sự phát triển, là động lực của sự phát triển. Với thế hệ trẻ hiện nay, có 3 vấn đề phải đề cao: lòng yêu nước; trách nhiệm của người trẻ với đất nước, xã hội, gia đình; đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó là môi trường rèn luyện, cống hiến cho thế hệ trẻ. Nếu môi trường tốt thì sự rèn giũa của thế hệ trẻ sẽ có kết quả tốt. 
Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa, xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) nhấn mạnh, tương lai đất nước đang đặt lên vai thế hệ trẻ. Ngoài rèn luyện tri thức, tiếp cận công nghệ, thế hệ trẻ cần có ý thức giữ gìn những giá trị truyền thống. 
Theo TS. Chức, Dự thảo văn kiện cần có những giải pháp cụ thể để phát huy vai trò văn hóa cũng như thế hệ trẻ, đồng thời đặt vấn đề: xây dựng con người thì con người tuổi trẻ phải là con người thế nào? Con người thanh niên phải chăng là người có trí tiến thủ cao, có lòng tự ái dân tộc, yêu Tổ quốc? Phải đặt câu hỏi là mình đã đóng góp gì cho đất nước này không tụt hậu, sánh vai với cường quốc năm châu. Tuổi trẻ phải có chí khí để đưa đất nước mình ra khỏi tụt hậu.
Nhấn mạnh đến nội dung của cuộc tọa đàm, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây là cuộc thảo luận giữa những người đã có nhiều trải nghiệm và các bạn trẻ. Trong lúc khó khăn nhất, chúng ta dựa vào nền tảng văn hóa, vào sức trẻ của thanh niên để vượt qua. Ngược lại, lúc thành công chúng ta cũng nhớ đến văn hóa, và thành tựu là nhờ có văn hóa, có thanh niên. Vì vậy, tọa đàm cần làm rõ, đánh giá, phát huy vai trò của thanh niên trong phát triển văn hóa, nhất là trong quá trình hội nhập để đóng góp vào văn kiện của Đảng. 

Đọc thêm